Libya: 33 tỷ USD thực hiện dự án sông ngòi nhân tạo

Theo nhật báo “Le Progrès Egyptien” (Ai Cập), tại diễn đàn nước thế giới diễn ra tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ mới đây, Libya đã trình bày chi tiết một dự án dẫn nước khổng lồ mang tên "Dự án sông ngòi nhân tạo khổng lồ".

Theo nhật báo “Le Progrès Egyptien” (Ai Cập), tại diễn đàn nước thế giới diễn ra tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ mới đây, Libya đã trình bày chi tiết một dự án dẫn nước khổng lồ mang tên "Dự án sông ngòi nhân tạo khổng lồ".

Mặc dù có tên gọi là "Dự án sông ngòi nhân tạo khổng lồ", nhưng dự án này lại không liên quan đến con sông nào cả. Dự án bao gồm việc lắp đặt 4.000km “ống nước” khổng lồ có đường kính tới 4m, cho phép dẫn nước bơm từ sa mạc tới bờ biển phía Bắc của Libya, nơi có đa số dân cư sinh sống.
 
Từ nhiều năm nay, dự án này đã được tiến hành tương đối thận trọng và không phải lúc nào cũng được tất cả mọi người ủng hộ. Thậm chí các phương tiện thông tin đại chúng phương Tây có lúc còn nghi ngờ rằng đây là những đường ống tàng trữ vũ khí hóa học.
 
Theo thiết kế của dự án, nước ngọt sẽ được bơm từ độ sâu 500m của 1.300 giếng. Phí tổn của dự án này lên tới hơn 33 tỷ USD, bao gồm cả đầu tư ban đầu và chi phí bảo dưỡng trong 50 năm.

Theo một quan chức phụ trách việc quản lý nước ngầm Libya, các nghiên cứu chứng tỏ rằng dự án này kinh tế hơn một số dự án khác như việc xây dựng các nhà máy khử nước mặn hoặc nhập nước từ châu Âu.
 
Theo nghiên cứu của Libya, lượng nước ngầm tích trữ từ 4.860 năm nay sẽ đủ cho Libya và cho cả 3 nước khác là Ai Cập, Chad và Sudan, sử dụng lâu dài. Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra lo ngại về những hậu quả của dự án đối với môi trường và kinh tế. Những người khác lại lo ngại việc bơm nhiều nước như vậy từ sa mạc sẽ gây ra tình hình căng thẳng tiềm tàng với các nước láng giềng Libya và có thể trở thành một cuộc chạy đua bơm nước từ sa mạc.
 
Vì vậy, theo một số chuyên gia, dự án là một cơ hội tốt để đáp ứng nhu cầu cấp bách về nước, song cũng có thể làm bùng nổ những vấn đề khác.

Tình hình khan hiếm nước nói riêng ở Libya và ở châu Phi nói chung là động lực  để Libya đưa ra sáng kiến trên. Libya là một quốc gia có khí hậu nóng và hiếm mưa quanh năm, với 5,7 triệu dân và các vùng sa mạc và hoang mạc chiếm hầu như toàn bộ lãnh thổ./.
 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục