EU cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam xóa nghèo

EU vẫn là một trong những nhà cung cấp viện trợ phát triển hàng đầu của Việt Nam với tổng số 680 triệu euro cam kết dự kiến cho 2011.
Ngày 2/6, Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Hà Nội đã họp báo công bố Báo cáo thường niên về Hợp tác phát triển EU-Việt Nam.

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Sean Doyle, Đại sứ-Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam nhấn mạnh, EU vẫn cam kết đầy đủ đối với các nỗ lực quốc tế nhằm xóa nghèo, thông qua hỗ trợ phát triển và tăng hiệu quả viện trợ bằng điều phối tốt hơn và hài hòa hóa hợp tác phát triển với các quốc gia thành viên và nhà tài trợ.

Trình bày diễn biến mới nhất trong chính sách phát triển của Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Đại sứ-Trưởng Phái đoàn EU cho biết, EU đã khái quát hoạt động hợp tác phát triển giữa EU (gồm các quốc gia thành viên và Ủy ban châu Âu) và Việt Nam, vạch ra các định hướng chính sách phát triển chính - chủ yếu là xóa đói nghèo, cung cấp các dữ liệu cụ thể về giải ngân và cam kết của EU trong năm 2011 liên quan tới đóng góp của EU cho viện trợ phát triển tại Việt Nam.

EU vẫn là một trong những nhà cung cấp viện trợ phát triển hàng đầu của Việt Nam với tổng số 680 triệu euro (972,3 triệu USD) cam kết dự kiến cho năm 2011, tương đương với 11,10% tổng cam kết viện trợ nước ngoài, trong đó bao gồm 42% viện trợ không hoàn lại, 284,22 triệu euro (406,4 triệu USD).

Ông Sean Doyle cũng cho rằng Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình vào năm 2010 và có được những bước tiến quan trọng trong việc hướng tới đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.

Nhưng nếu Việt Nam muốn đạt được tất cả các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ thì điều quan trọng là phải giải quyết tốt hơn đối với sự bất bình đẳng đang ngày càng tăng và phải lấp đầy các khoảng cách còn lại. Các nhóm bị thiệt thòi phải được chú ý đặc biệt hơn bao giờ hết và Việt Nam vẫn cần nhiều hỗ trợ cho công cuộc xóa nghèo và thúc đẩy phát triển bền vững.

Báo cáo thường niên về Hợp tác phát triển của EU tại Việt Nam đã tập trung phân tích hiệu quả viện trợ, trong bối cảnh chuẩn bị diễn ra Diễn đàn cấp cao về hiệu quả viện trợ tại Busan (Hàn Quốc) vào tháng 11/2011, tạo điều kiện cho các nhà tài trợ EU và Chính phủ Việt Nam điểm lại những tiến triển đã đạt được và các bài học từ khi triển khai thực hiện Tuyên bố Paris và Tuyên bố Hà Nội về thực thi chương trình nghị sự Hiệu quả Viện trợ tại Việt Nam; đồng thời đề ra các định hướng ưu tiên nhằm bảo đảm hiệu quả viện trợ trong khuôn khổ phát triển kinh tế-xã hội tổng thể của Việt Nam, với tư cách là một quốc gia có thu nhập trung bình.

Đồng thời, một khung chiến lược về viện trợ phát triển chính thức sẽ được xác định và thông qua, dự báo sẽ cung cấp các định hướng chiến lược về vai trò và ưu tiên của hoạt động hỗ trợ phát triển tại Việt Nam giai đoạn 2011-2015.

Cụ thể, EU sẽ tập trung hoạt động vào 9 lĩnh vực chủ chốt mà EU có lợi thế tương đối, cụ thể là thương mại và hội nhập khu vực; môi trường và quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên; cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc và giao thông; nước và năng lượng; phát triển nông thôn, quy hoạch lãnh thổ, nông nghiệp và an ninh lương thực; quản trị công, dân chủ, nhân quyền và hỗ trợ cải cách kinh tế và thể chế; phòng ngừa xung đột và bất ổn quốc gia; phát triển con người; gắn kết xã hội và việc làm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục