Khoảng trống bóng Vàng

Bóng Vàng Minh Phương và khoảng trống phía sau

Minh Phương xứng đáng với danh hiệu Quả bóng Vàng năm 2010, nhưng phía sau anh là cả khoảng trống lớn cho cả nền bóng đá.

Quả bóng Vàng Việt Nam 2010 đã tìm được chủ nhân xứng đáng khi cựu thủ quân đội tuyển quốc gia Nguyễn Minh Phương về nhất trong cuộc bầu chọn được công bố sáng nay. Nhưng Phương càng xứng đáng bao nhiêu thì lại càng buồn cho bóng đá Việt Nam bấy nhiêu.

Giống như các cuộc bầu chọn ở đẳng cấp thế giới, những giải đấu lớn nhất của đội tuyển quốc gia luôn tác động tới các lá phiếu bầu. Chẳng hạn, trong một năm diễn ra World Cup hay Euro thì cầu thủ xuất sắc nhất ở giải đấu đó cũng thường giành luôn Quả bóng Vàng thế giới.

Trong năm 2010 thì sự kiện lớn nhất của bóng đá Việt Nam là AFF Suzuki Cup mà đội tuyển Việt Nam là đồng chủ nhà. Trong hành trình của đội tuyển Việt Nam ở giải đấu đó thì rõ ràng thủ quân Minh Phương là gương mặt nổi bật nhất. Không ai có thể quên được cú sút phạt tuyệt đẹp của Phương mở ra chiến thắng kỷ lục trước đội tuyển Myanmar, cũng như tinh thần trách nhiệm và sự xả thân của cầu thủ đeo băng đội trưởng.

Không những thế, giải thưởng Quả bóng Vàng cũng còn mang ý nghĩa tôn vinh thành tựu trọn đời, cho cầu thủ gắn liền với chiến công đoạt chức vô địch AFF Cup của đội tuyển Việt Nam năm 2008. Bởi sau AFF Cup 2010, Minh Phương cũng đã nói lời chia tay với đội tuyển quốc gia.

Nói tóm lại, trong năm 2010 thì Minh Phương xứng đáng với danh hiệu cao quý nhất của bóng đá Việt Nam hơn ai hết.

Tuy nhiên, nếu như một nền bóng đá tôn vinh một cầu thủ đã lên hàng lão tướng thì cũng có nghĩa là nền bóng đá đó thực sự có vấn đề! Và điều đáng sợ hơn là điều này là một sự lặp lại của những gì diễn ra một năm trước đó, khi một cầu thủ đang thi đấu ở giải hạng dưới (Thành Lương) đoạt danh hiệu Quả bóng Vàng.

Cần khẳng định lại một lần nữa, cả Minh Phương lẫn Thành Lương đều xứng đáng với danh hiệu ấy. Nhưng việc họ được tôn vinh trong những hoàn cảnh đặc biệt như thế đã cho thấy bóng đá Việt Nam đang ở vào một thời điểm khan hiếm tài năng chưa từng thấy.

Hệ quả của sự khan hiếm đó là thất bại của đội tuyển Việt Nam ở AFF Cup 2010, khi nhà vô địch năm 2008 chật vật lắm mới vượt qua được vòng bảng rồi phải dừng chân ở vòng bán kết trong nỗi thất vọng ê chề của người hâm mộ.

Chính vì thế mà cuộc bầu chọn Quả bóng Vàng 2010 có thể được coi là cuộc bầu chọn dễ đoán kết quả nhất trong lịch sử của giải thưởng này. Bởi từ khi ban tổ chức chưa công bố danh sách ứng cử viên thì ai cũng có thể đoán trước được rằng Minh Phương sẽ về nhất. Bởi ngoài Phương thì còn biết bầu cho ai trong một năm đầy thất bát?

Chẳng hạn, nếu đội tuyển quốc gia thất bại thì người ta có xu hướng bầu chọn những cầu thủ thi đấu nổi bật ở V-League, bởi các giải vô địch mới chính là xương sống của một nền bóng đá, còn đội tuyển thực ra cũng chỉ là bộ mặt của nền bóng đá ấy.

Thế nhưng, nếu căn cứ vào V-League để bình chọn thì người hâm mộ sẽ lại càng buồn hơn, khi mà những những gương mặt nổi bật nhất đều là các ngoại binh. Và nếu có cầu thủ nội nào đó được nhắc tới thì hầu như toàn là dính đến các scandal kiểu như “vái lạy trọng tài.”

Cũng vì lý do đó mà khi đội tuyển quốc gia, cũng như đội tuyển U23 được triệu tập vào giữa tháng tới để làm nhiệm vụ ở vòng loại World Cup và vòng loại Olympic London 2012, liệu có gương mặt nào thực sự để người hâm mộ trông chờ, giống như là Hồng Sơn, Huỳnh Đức trước đây, hay gần hơn nữa là Văn Quyến, Công Vinh hay Minh Phương những năm về trước?

Thế nên, điều dễ hiểu là từ bây giờ, không ít người đang đau đầu khi nghĩ về giải Quả bóng Vàng của năm...2011. Bởi V-League mùa này cũng đã đi được qua nửa chặng đường, và tương lai của cả hai đội tuyển cũng đang hết sức mờ mịt khi đến giờ này chiếc ghế huấn luyện viên trưởng vẫn đang bỏ trống.

Mừng cho Minh Phương, nhưng buồn cho bóng đá Việt Nam là vì vậy./.

 
Lâm Huy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục