Trẻ suy dinh dưỡng - tình trạng khẩn cấp của thế giới

Hiện nay, trên thế giới có 180 triệu trẻ em phát triển còi cọc và hơn 20 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, ngày 10/4, trong bối cảnh thời hạn cuối cùng thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) là năm 2015 đang tới gần, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã kêu gọi các nước đưa an ninh dinh dưỡng trở thành nhân tố thiết yếu trong các chương trình phát triển quốc gia.

Đổi mới cách tiếp cận vấn đề trẻ em như vậy có thể giúp đẩy nhanh tiến bộ về phúc lợi cho trẻ em Tại diễn đàn Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới (IPU) ở Uganda, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc và Tổng Giám đốc UNICEF, Anthony Lake, nêu rõ rằng cũng như nước sạch và giáo dục, an ninh dinh dưỡng là nền tảng để đạt được các MDG vào năm 2015.

Hiện nay, trên thế giới có tới 180 triệu trẻ em phát triển còi cọc và hơn 20 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Tuy nhiên, tình trạng khẩn cấp “lặng lẽ” này hầu như ít được thế giới quan tâm. Uganda có tới 33% trẻ em trên toàn quốc suy dinh dưỡng và cần tới 310 triệu USD để khắc phục hàng năm.

Ông Anthony Lake nhấn mạnh với những công nghệ mới và ý tưởng mới, UNICEF và các tổ chức cứu trợ trẻ em các khu vực và quốc tế đang nỗ lực đưa sự hỗ trợ thiết yếu nhất đến các bà mẹ và trẻ em các cộng đồng dân cư dễ bị tổn thương nhất và các nơi hẻo lánh, nhằm cải thiện các dịch vụ cơ bản dành cho trẻ em.

IPU, cơ quan lớn nhất của các nghị sỹ quốc hội trên thế giới, đã thông qua nghị quyết khẳng định đảm bảo tiếp cận y tế là quyền con người của phụ nữ và trẻ em.

Nghị quyết kêu gọi quốc hội các nước thực hiện các biện pháp cao nhất để đạt các mục tiêu MDG giảm khoảng 66% tỷ lệ tử vong của trẻ em trên toàn cầu vào năm 2015, đồng thời giảm tỷ lệ tử vong và mở rộng tiếp cận sức khoẻ sinh sản của các bà mẹ. Đây là lần đầu tiên các quốc hội trên thế giới thông qua IPU để thông qua nghị quyết về vấn đề này.

Tổng Giám đốc UNICEF lưu ý rằng tiến bộ về vấn đề bà mẹ và trẻ em trên toàn cầu phụ thuộc vào các quốc hội vì quốc hội đóng vai trò quan trọng trong quá trình phê chuẩn những chính sách lấy con người làm trung tâm, phân bổ ngân sách cũng như giám sát chính phủ thực hiện chính sách và ngân sách này.

IPU thông qua nghị quyết về các bà mẹ và trẻ em cho thấy cam kết của các nghị sỹ quốc hội thế giới coi trọng đầu tư vào sức khỏe cũng như các quyền con người của phụ nữ, trẻ em và thanh niên./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục