Chưa thôi hỗn loạn

Vì sao Afghanistan vẫn còn chưa thôi hỗn loạn?

Trong thế giới phức tạp của nền chính trị Afghanistan, liên minh, đối địch, các mối quan hệ thường có nguồn gốc kéo dài hàng thập kỷ.
Viên tướng tháo bỏ chiếc áo choàng ngụy trang và để lộ ra khẩu súng ngắn Beretta 9mm, trước khi bác bỏ tin tức về việc bản thân mới bị bắt giữ. "Đừng nghĩ rằng tôi mới thoát khỏi nhà tù, tôi có vũ trang đấy nhé," ông nói. Tướng Omar Zadran là người nắm quyền điều hành các vấn đề an ninh tại một loạt các địa điểm quan trọng ở thủ đô Afghanistan, gồm dinh tổng thống, bộ quốc phòng, đại sứ quán Mỹ và những nơi khác. Vị trí cao cấp khiến ông đón nhiều vị khách quan trọng không kém. "Leon Panetta (Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ) mới tới thăm tôi vào đêm hôm kia," ông nói . Nhưng tuần này, Zadran đã vướng vào các tin đồn có liên quan tới một kế hoạch tấn công tự sát nhằm vào bộ quốc phòng, trong đó nhà chức trách đã bắt giữ 18 nhân vật thuộc mạng lưới khủng bố Haqqani và thu 11 chiếc áo gài bom. Các tin đồn nói rằng tình báo Afghanistan (NDS) đã cảnh báo về khả năng mạng lưới khủng bố nằm dưới sự điều khiển của Jalaluddin Haqqani, vốn có liên quan tới Taliban, sẽ mở các cuộc tấn công mới. NDS cũng đề nghị bộ quốc phòng miễn nhiệm một viên tướng được cho là vẫn giữ quan hệ lâu dài với Haqqani. Tin đồn này đã lan rất nhanh, bất chấp việc bộ quốc phòng đã bác bỏ rất mạnh thông tin chứa đựng trong nó. Nhưng sự kiện cũng cho thấy sự chia rẽ đã xuất hiện nghiêm trọng trong bộ máy quyền lực của Kabul, cũng như ảnh hưởng dai dẳng của các tin đồn ở thủ đô Afghanistan. Trong thế giới phức tạp của nền chính trị Afghanistan, liên minh, đối địch và các mối quan hệ thường có nguồn gốc kéo dài hàng thập kỷ. Zadran, một người Pashtun với cái nhìn có khả năng xuyên thủng người khác, giờ là một trong những viên tướng hàng đầu ở Kabul, với 2 tiểu đoàn của ông này đóng tại bên trong cung điện của tổng thống Hamid Karzai. Nhưng do đã từng chiến đấu chống quân đội Liên Xô cũ trong những năm 1980, ông cũng dễ dàng sát cánh với những người Haqqani, vốn đã tổ chức các cuộc chiến cùng với Taliban chống lại chính quyền Kabul và các đồng minh phương Tây. "Trong thời thánh chiến, tôi đã gia nhập Hezb-i Islami, một phong trào nằm dưới sự điều khiển của Yunus Khalis," Zadran cho AFP biết tại bộ quốc phòng - "Jalaluddin Haqqani cũng nằm dưới sự chỉ đạo của Khalis, tôi không phủ nhận chuyện này. Tôi là tư lệnh tỉnh Khost, tôi có những mối quan hệ tốt với Haqqani cho tới cuối cuộc thánh chiến, do chúng tôi cần cùng nhau chống lại Liên Xô. Sau đó, Haqqani đã quyết định gia nhập Taliban, còn Zadran nói rằng ông chọn "sự dân chủ." "Nếu tôi có bất kỳ mối quan hệ nào với Haqqani trong giai đoạn hiện nay, tôi có thể dễ dàng ra vào phủ tổng thống và gây hại cho bất kỳ ai," ông nói. Zadran, 52 tuổi, đổ lỗi cho kẻ thù vì đã phát tán các tin đồn không đúng sự thực về ông. "Tôi đã phá rất nhiều kế hoạch tấn công do Taliban, Al Qaeda và các cơ quan tình báo khu vực thực hiện," ông nói và mô tả mình là cơn đau đầu của kẻ thù. Ông cũng chỉ ra rằng kẻ thù đang bôi nhọ mình để dễ bề xâm nhập dinh tổng thống hoặc bộ quốc phòng. Ông từ chối nêu rõ kẻ thù cụ thể là cá nhân hoặc tổ chức nào. Nhưng cả ông và phát ngôn viên bộ quốc phòng Dawlat Waziri đều nói rằng Pakistan và Iran, các hàng xóm có truyền thống gây ảnh hưởng ở Afghanistan, đã điều điệp viên tới Kabul. "Các tổ chức tình báo khu vực có liên quan tới cuộc xung đột ở Afghanistan," Waziri từng tuyên bố. Những cáo buộc gián điệp như vậy không phải hiếm hoi ở Kabul. Đầu tháng này, có tin tức tranh cãi đã nổ ra giữa tham mưu trưởng quân đội và thứ trưởng ngoại giao Afghanistan, và cả hai người tố cáo lẫn nhau là gián điệp của Mỹ và Pakistan. Theo hãng tin Al-Jazeera, cuộc tranh cãi gay gắt tới mức tướng John Allen, tư lệnh quân đội Mỹ ở Afghanistan và đại sứ Mỹ Ryan Crocker đã phải lôi họ mỗi người ra một góc. Chia rẽ bè phái ở Kabul, ngoài việc xuất hiện trong các cơ quan chính phủ, còn có nguồn gốc chủng tộc. Cộng đồng người Pashtun ở Afghanistan không ưa những người Tajik, Hazara và Uzbek. Truyền thống ghét nhau này đã kéo dài hơn một thập kỷ và sự mâu thuẫn xuất hiện đôi khi ngay từ trong việc ban hành một chính sách mới.

Các chốt canh gác tại Bộ Quốc phòng Afghanistan ở Kabul (Nguồn: AFP)

Những chia rẽ này đã gây thêm nhiều khó khăn cho nỗ lực thương thuyết để tìm ra một giải pháp cho cuộc xung đột ở Afghanistan và bắt đầu tiến trình hòa giải quốc gia. "Bất kỳ cuộc hòa giải có ý nghĩa nào với lực lượng phiến loạn chỉ có thể xuất hiện dựa trên sự đồng thuận của các yếu tố cấu thành một chính quyền" - Marvin Weinbaum, một chuyên gia ở Viện nghiên cứu Trung đông có trụ sở tại Washington đánh giá - "Khi các đồng minh trong chính quyền quay ra cắn xé lẫn nhau, điều đang diễn ra ở Afghanistan hiện nay, kết cục dễ thấy nhất không chỉ là sự xuất hiện trở lại của một cuộc nội chiến giữa đôi bên là còn hỗn loạn hơn." Nhưng sự chia rẽ vẫn có tiềm năng hàn gắn trở lại. Và nếu điều đó xảy ra, Zadran tin rằng đồng đội cũ Haqqani có thể ngồi vào bàn đàm phán hòa bình. "Ông ta lúc nào cũng chỉ thích tiền," Zadran nhận xét./.

Tin cùng chuyên mục