Nguy cơ tuyệt chủng

Nguy cơ biến mất hơn 100 loài chim ở Indonesia

Hiện có 17 loài chim ở Indonesia đang ở trong tình trạng báo động, 30 loài bị đe dọa và 70 loài khác đang bên bờ vực tuyệt chủng.
Với hơn 17.500 hòn đảo, Indonesia không chỉ là quốc gia có nhiều đảo nhất thế giới mà còn là một trong những quốc gia có nhiều loài chim vào bậc nhất thế giới với khoảng 1.600 loài, trong đó hơn 100 loài đang có nguy cơ biến mất.

Tổ chức "Chim Indonesia" (Burung Indonesia) ngày 25/7 công bố số liệu cho thấy hiện có 17 loài chim ở nước này đang ở trong tình trạng báo động, 30 loài bị đe dọa và 70 loài khác đang bên bờ vực tuyệt chủng.

Ông Henny M Sembiring, người phụ trách bộ phận kinh doanh và truyền thông của tổ chức này nêu rõ có thể nhận thấy tốc độ biến mất nhanh chóng của các loài chim ngay tại khu vườn Bogor Botanica, một điểm du lịch nổi tiếng thuộc tỉnh Tây Java và nằm gần thủ đô Jakarta.

Tại khu vườn này, số loài chim đã giảm từ 90 loài theo thống kê năm 2006 xuống còn 50 loài trong năm 2009. Nguy cơ thể hiện rõ nhất là ở loài chim gõ kiến ácđoa, trước đây thấy rất nhiều ở các đảo Java, Kalimantan và Sumatra, nhưng nay chỉ có thấy ở khu vực Đảo Riau và đã được đưa vào sách đỏ các loài có nguy cơ tuyệt chủng cao.

Các nhà bảo vệ môi trường cho rằng nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nhiều loài chim biến mất ở Indonesia là việc xây dựng các khu đô thị đã làm mất các vùng "xanh" vốn là những nơi sinh sống của chim, bên cạnh đó là nạn săn bắn và ô nhiễm không khí.

Trong nỗ lực bảo vệ thiên nhiên hoang dã, mới đây, Bộ Lâm nghiệp Indonesia đã tổ chức tại đảo du lịch Bali "Hội nghị Cứu nguy loài hổ" với sự tham gia của đại diện đến từ 13 nước.

Tại hội nghị, người đứng đầu tổ chức "Diễn đàn hổ của chúng ta" Hariyo T.Wibisono cho biết hiện tại Indonesia chỉ còn khoảng 400 con hổ Sumatra, chiếm 12% tổng số hổ trên toàn thế giới. Số lượng loài hổ Sumatra đang suy giảm nhanh - 50% trong vòng 25 năm qua.

Các đại biểu dự hội nghị xác định những mối đe dọa chính đối với hổ là mất môi trường sống vì rừng bị phá hoại, số lượng thú hoang dã vốn là nguồn thức ăn của hổ giảm mạnh, nạn săn bắn và buôn bán hổ.

Các đại biểu Indonesia cho biết với quyết tâm bảo vệ và tăng gấp đôi số lượng hổ hiện có, Chính phủ Indonesia đã chi ngân sách 170 triệu USD, trước hết là khôi phục và tăng diện tích ở của hổ.

Là một trong những quốc gia còn nhiều hổ sinh sống nhất trên thế giới, Indonesia đóng vai trò chủ chốt trong nỗ lực bảo vệ hổ trước nguy cơ tuyệt chủng.

Các đại biểu Indonesia kêu gọi các nước láng giềng tích cực ngăn chặn nạn buôn bán hổ để góp phần vào nỗ lực này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục