Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 500.000 tỷ đồng

Công nghiệp được đánh giá là ngành có tốc độ tăng trưởng khá nhanh với giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 574.000 tỷ đồng.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 9/2010, với giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 574.000 tỷ đồng, gấp hơn hai lần cùng kỳ năm trước (cùng kỳ đạt 6,5%) và cao hơn so với kế hoạch năm (12%), công nghiệp được đánh giá là ngành có tốc độ tăng trưởng khá nhanh.

Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn nhất (89,4%) về giá trị sản xuất là ngành quyết định tới tốc độ tăng chung của toàn ngành công nghiệp, đạt tốc độ tăng 14,7% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng cao hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm trước là hơn 6% và là ngành có tốc độ hồi phục nhanh nhất trong năm 2010 sau giai đoạn khủng hoảng.

Nhiều sản phẩm chủ yếu của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có tốc độ tăng cao hơn mức tăng chung của toàn ngành, điển hình như khí hóa lỏng, sữa bột, giày thế thao, kính thủy tinh, xe tải, sơn hóa học, ximăng, xe máy có mức tăng từ 16,4-121,2%.

Tổng cục Thống kê nhận xét, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo không chỉ đạt mức tăng khá về sản xuất mà mức tiêu thụ cũng tăng ở mức cao (10,7%); trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ cao là đồ uống không cồn, gạch, ngói và gốm, sứ không chịu lửa, các sản phẩm bơ, sữa, các sản phẩm bằng kim loại, xi măng, sản phẩm nhựa, giày dép.

Theo phân tích của Tổng cục Thống kê, ngành sản xuất, phân phối điện, ga, nước mặc dù chỉ chiếm 5,9% tổng giá trị sản xuất công nghiệp nhưng lại có tốc độ tăng so với cùng kỳ cao nhất (15,3%).

Công nghiệp khai thác là ngành chịu ảnh hưởng lớn của việc giảm sản lượng dầu thô khai thác. Dầu thô là sản phẩm có giá trị cao nhưng chín tháng năm nay chỉ khai thác được hơn 11 triệu tấn, giảm gần 14% so với cùng kỳ. Ngược lại, khí đốt thiên nhiên hiện đang có tốc độ khai thác nhanh, đạt trên bảy tỷ m3 và tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm trước.

Để giữ vững đà tăng trưởng trong sản xuất công nghiệp ba tháng cuối năm, theo các chuyên gia kinh tế nhất thiết cần tập trung đẩy mạnh sản xuất các nhóm hàng có khả năng tiêu thụ mạnh để đáp ứng cân đối cung-cầu với giá cả ổn định, bảo đảm cả năm 2010 tăng trưởng sản xuất công nghiệp và tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu vượt mức kế hoạch.

Bên cạnh việc chú trọng công tác điều tiết thị trường, đảm bảo phân phối hàng hóa hợp lý giữa các vùng miền, không để tình trạng thiếu hàng hóa xảy ra cục bộ ở một số nơi, Bộ Công Thương cần tăng cường hoạt động kiểm tra kiểm soát, quản lý các diễn biến của thị trường hàng hóa để chủ động xử lý những phát sinh nhằm bảo đảm tốt nguồn cung ứng những mặt hàng trọng yếu với giá cả ổn định như xăng dầu, phân bón, sắt thép, giấy in, ximăng, gạo, dược phẩm.

Ngoài ra, các ngành tiếp tục đẩy mạnh đầu tư các công trình, dự án đã được tập trung vốn để hoàn thành đưa vào hoạt động năm 2010, nhất là các công trình nguồn điện, lưới điện, các dự án tăng cường năng lực sản xuất hàng xuất khẩu./.

Mai Phương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục