Trại sáng tác nâng kỹ năng cho các cây bút nhí

Các em sáng tác bằng chính tâm hồn thơ ngây của mình, tuy nhiên cũng cần phải biết "bắt chước" cách gieo vần, lập ý, tứ... trong sách vở.
Tối nay 4/6, tại Trung tâm Văn hóa Hội Nhà văn Việt Nam, đã khai mạc trại sáng tác thơ văn tuổi học trò do Hội đồng Đội Trung ương phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.

Trại sáng tác với chủ đề “Ước mơ xanh” nhằm tạo cảm hứng sáng tạo văn học, tình yêu thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam trong thiếu nhi, có những tác phẩm hướng về 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Có 60 trại viên đến từ các câu lạc bộ thơ văn, câu lạc bộ phóng viên nhỏ của 15 nhà thiếu nhi khu vực phía Bắc.

Chương trình hoạt động gồm có tham quan, dã ngoại tìm cảm hứng sáng tác tại Lăng Bác, Hồ Gươm, Văn Miếu, làng nghề Bát Tràng; tập huấn sáng tác thơ văn cho các trại viên; giao lưu học hỏi sáng tác với các cây bút trẻ Hà Nội và các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, có uy tín như nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Lê Thị Phương Liên, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, nhà thơ Hồng Thanh Quang.

Kết thúc thời gian tại Trung tâm Văn hóa Hội Nhà văn Việt Nam, các em sẽ trở về địa phương sáng tác từ ngày 7-30/6. Từ 30/6-15/7, Ban tổ chức nhận tác phẩm và chọn ra những tác phẩm có chất lượng để trao thưởng vào ngày 25/7 tới.

Ngoài phần thưởng của ban tổ chức, những tác phẩm được chọn sẽ được đăng tải trên các tạp chí văn học nghệ thuật trung ương và địa phương và tuyển chọn in thành sách.

Tại buổi khai mạc, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã truyền lại cho các trại viên kinh nghiệm sáng tác. Theo ông, các em trước hết phải sáng tác bằng chính tâm hồn ngây thơ của mình, bên cạnh đó cũng nên chú ý “bắt chước,” học hỏi  từ sách vở.

Nhà thơ Hồng Thanh Quang cũng khuyên các em nên đọc nhiều ca dao tục ngữ, văn hóa dân gian Việt Nam, những tác phẩm thiếu nhi kinh điển… để bồi bổ kiến thức tiếng Việt, tạo cho mình vốn từ và kỹ năng sáng tác.

Cùng quan điểm đó nhưng nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn còn nhấn mạnh, để có kỹ năng, các em nên thường xuyên ghi chép nhận xét của mình trước những sự vật, sự kiện gây ấn tượng. Nhờ đó, khi viết, các chi tiết này sẽ sống lại làm cho tác phẩm của các em độc đáo và manh phong cách riêng của mình.

Tiếp nhận những đóng góp của các nhà văn, nhà thơ chuyên nghiệp, em Phương Anh (nhà thiếu nhi Hải Dương) tâm sự: “Trước kia, em sáng tác văn thơ mang tính bột phát. Qua Hội trại lần này, em vừa thêm cảm hứng lại được học cách sáng tác có bài bản hơn.”./.

Thúy Mơ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục