Ngành công nghiệp cơ khí thua ngay trên "sân nhà"?

Nhu cầu lớn nhưng sản xuất trong nước chưa đáp ứng được nên mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu 10-18 tỷ USD sản phẩm, thiết bị cơ khí.
Theo Hiệp hội cơ khí Việt Nam (VAMI), nhu cầu mua sắm thiết bị cơ khí cho đầu tư xây dựng các công trình công nghiệp của Việt Nam hằng năm rất lớn nhưng sản xuất trong nước chưa đáp ứng được. Vì vậy, mỗi năm, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu lượng sản phẩm, thiết bị cơ khí với kim ngạch 10-18 tỷ USD.

Ông Nguyễn Văn Thụ - Chủ tịch Hiệp hội cơ khí lo lắng: "Nếu không tập trung đầu tư cho ngành cơ khí phát triển thì sẽ mất thị trường trong nước và Việt Nam sẽ khó khăn để đạt mục tiêu trở thành một nước công nghiệp."

Thắng trên "sân khách," thua tại "sân nhà"

Đến nay, các doanh nghiệp cơ khí trong nước đã tham gia cung cấp một số thiết bị và dây chuyền thiết bị cho các nhà máy điện, các công trình dầu khí, dự án nhiệt điện...

Tuy nhiên, ngành công nghiệp này vẫn dừng ở trình độ gia công, lắp ráp hoặc chế tạo các thiết bị, máy móc cỡ nhỏ, giá trị gia tăng rất thấp.

Nhiều công trình lớn trong nước được giao cho các doanh nghiệp trong nước làm tổng thầu EPC như Nhà máy Nhiệt điện Cà Mau, Nhơn Trạch 1, Uông Bí..., tuy được tiếng là tổng thầu nhưng phần thu được của các nhà thầu Việt Nam chiếm rất nhỏ trong giá trị gói thầu.

Phần thiết bị có giá trị cao của các nhà máy điện trên được các nhà thầu Việt Nam giao cho các nhà thầu phụ nước ngoài đảm nhiệm, trong khi đây lại là phần cho doanh thu cao.

Ông Nguyễn Chỉ Sáng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí chỉ ra trong số 21 nhà máy ximăng, chỉ có ximăng Sông Thao do Tổng công ty Lắp máy Việt Nam làm tổng thầu EPC là có tỷ lệ nội địa hóa 40%. Các dự án còn lại do Trung Quốc làm tổng thầu thì tỷ lệ nội địa hóa là 0%.

Thậm chí, không ít các dự án của ngành than cũng lựa chọn giải pháp nhập khẩu các thiết bị cơ khí thay vì thiết kế và chế tạo trong nước.

Bà Phạm Thị Thu Hà - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) chia sẻ: “Chúng tôi rất xót xa khi nhìn nhiều dự án của PVN rơi vào tay các nhà thầu nước ngoài. Trong khi đó, không ít dự án doanh nghiệp trong nước có thể làm được."

Bà Hà chỉ ra nguyên nhân một phần là do các chính sách hiện nay chưa ủng hộ doanh nghiệp trong nước: "Khi làm cho dự án nước ngoài thì được áp dụng mức thuế 0%, trong khi dự án trong nước thì lại phải chịu thuế VAT. Điều đó cũng lý giải vì sao các doanh nghiệp cơ khí trong nước thường bỏ thầu giá cao và khó trúng thầu hơn doanh nghiệp nước ngoài. Thế nên đã từng xảy ra tình trạng, doanh nghiệp thắng thầu ở nước ngoài nhưng lại thua ngay trên sân nhà."

Cần chính sách phát triển hợp lý


Sau gần 10 năm phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020,” mặc dù được coi là một trong những ngành công nghiệp nền tảng, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nhưng đến nay, ngành cơ khí Việt Nam vẫn phát triển chưa xứng tầm.

Từ sau năm 2002 đến nay, tín dụng đầu tư với lãi suất ưu đãi cho ngành cơ khí chủ yếu rơi vào một số tổng công ty và tập đoàn nhà nước, như đóng tàu, ôtô... để sản xuất những sản phẩm ở công đoạn cuối là gia công và lắp ráp.

Trong khi đó, những khâu quan trọng như đúc, tạo phôi, công nghệ nhiệt luyện, thiết kế và đào tạo nguồn nhân lực... thì chưa được đầu tư nhiều. Vì vậy, mặc dù tỷ lệ nội địa hóa đã được nâng lên trong các năm qua nhưng tỷ lệ gia tăng về giá trị gia tăng của ngành lại thấp.

Ngành cơ khí còn đưa ra một chương trình phát triển với tham vọng sản xuất hầu hết những mặt hàng trong nước có nhu cầu, từ tàu biển, ôtô, thiết bị cơ khí ngành xây dựng, điện lực, dầu khí cho đến sản phẩm phục vụ cho nông nghiệp, chế biến thực phẩm, sản phẩm dân dụng và thiết bị cho nhiều ngành khác.

Mục tiêu về tỷ lệ nội địa hóa và chiếm lĩnh thị trường nội địa cũng rất cao, đến 70-80%. Nhưng, mục tiêu kể trên là khó khả thi, ít nhất là trong giai đoạn ngắn hạn, do nhu cầu thị trường nội địa, một trong những nền tảng quan trọng cho sự phát triển của một lĩnh vực sản phẩm chưa lớn.

"Hiện tại, mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 18 tỷ USD máy móc thiết bị. Điều đó cho thấy thị trường Việt Nam có tiềm năng không nhỏ nhưng chúng ta cũng không thể có tham vọng tự chế tạo và thay thế hoàn toàn nhập khẩu. Điều quan trọng là đưa ngành cơ khí Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó ưu tiên phát triển những sản phẩm, công đoạn mà Việt Nam có thế mạnh hoặc có thị trường tiêu thụ lớn," ông Phan Đăng Tuất, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách công nghiệp đề xuất.

VAMI cũng đề xuất Chính phủ nên lựa chọn một số sản phẩm cơ khí chế tạo trong 8 nhóm sản phẩm cơ khí trọng điểm để tập trung đầu tư; dành vốn hoặc bảo lãnh cho vay nước ngoài để gấp rút đầu tư những nhà máy quan trọng, có công nghệ tiên tiến để chế tạo thiết bị đồng bộ, máy phục vụ nông nghiệp và chế biến nông lâm ngư nghiệp để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, công nghiệp, nông nghiệp và xuất khẩu.../.

(Báo Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục