Ba sẵn sàng - Lửa nhiệt tình sáng mãi

Trong lịch sử phong trào thanh niên Việt Nam thế kỷ XX, cuộc vận động Ba sẵn sàng có sức lôi cuốn lớp trẻ mạnh mẽ, rộng khắp và có hiệu quả nhất.
Hội thảo "Sáng mãi ngọn lửa Ba sẵn sàng" được tổ chức ngày 4/8, tại Hà Nội, nhân kỷ niệm 45 năm phong trào Ba sẵn sàng.

Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Hữu Loan, nguyên Bí thư Thành đoàn Hà Nội khẳng định trong lịch sử phong trào thanh niên Việt Nam thế kỷ XX, một cuộc vận động có sức lôi cuốn lớp trẻ mạnh mẽ rộng, khắp và có hiệu quả thiết thực vào loại nhất là phong trào Ba sẵn sàng của thanh niên Hà Nội.

Các nhà nghiên cứu, nhân chứng lịch sử và cán bộ Đoàn Thủ đô các thời kỳ tham dự hội thảo đã tập trung phân tích, đánh giá những bài học kinh nghiệm trong tổ chức vận động thanh niên qua các phong trào Ba sẵn sàng Thanh niên tình nguyện và trong việc phát động phong trào hành động cách mạng của tuổi trẻ; đề xuất phong trào mới của tuổi trẻ Thủ đô chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Ngày 9/8/1964, ngay sau khi đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, Thành Đoàn Hà Nội đã có sáng kiến phát động phong trào Ba sẵn sàng với nội dung: sẵn sàng chiến đấu dũng cảm; sẵn sàng gia nhập các lực lượng vũ trang; sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần.

Chỉ sau thời gian ngắn phát động, 260.000 thanh niên Hà Nội đã ghi tên tình nguyện tham gia Ba sẵn sàng , trong đó có 80.000 thanh niên xung phong ra trận ngay trong tuần đầu với hàng vạn lá thư được viết bằng máu. Từ Hà Nội, phong trào đã lan rộng ra cả nước và trở thành cao trào cách mạng của tuổi trẻ Việt Nam những năm kháng chiến.

Là Bí thư Thành đoàn Hà Nội thời kỳ Ba sẵn sàng, nhớ lại: đêm 9/8, tại Hội trường Bộ Công nghiệp nặng phố Hai Bà Trưng, Hà Nội, 500 đoàn viên và trên 10.000 thanh niên đã gương cao khẩu hiệu Ba sẵn sàng. Thành đoàn Hà Nội đọc lời kêu gọi được thanh niên đáp lại “sẵn sàng, sẵn sàng, sẵn sàng“, cùng tiếng trống, tiếng kèn vang động cả một góc trời Hà Nội.

"Hình ảnh nửa đêm truyền hịch lên đường xuất quân tại Quảng trường Ngân hàng Trung ương, Quảng trường Nhà hát Lớn rực ánh lửa, âm vang tiếng cồng chiêng vào lúc 12h đêm, thanh niên đọc lời thề Ba sẵn sàng tiễn đưa thanh niên vào Nam chiến đấu, tiễn đưa các đội thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước là dấu ấn không thể nào quên của thanh niên Hà Nội", ông Loan nói.

Còn với ông Phạm Lợi, nguyên Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội, Bí thư Đoàn thanh niên Nhà máy cơ khí Hà Nội: “45 năm đã qua, mỗi khi có dịp đến trụ sở Thành đoàn Hà Nội, đến Nhà văn hóa học sinh sinh viên, Cung thiếu nhi, Quảng trường Cách mạng Tháng 8, Ngân hàng Trung ương, ga Giáp Bát, Nhà máy cơ khí Quang Trung, tôi lại nhớ đến hình ảnh lớp lớp thanh niên Ba sẵn sàng Thủ đô hăng hái, yêu đời, quyết tâm đánh Mỹ, luôn có mặt ở những nơi khó khăn, ác liệt, sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu dũng cảm, khắc phục hậu quả sau những trận bom tàn phá''.

Ông Đặng Quang Ngọc, nguyên vụ Vụ trưởng Vụ tuyên truyền Ban Tuyên giáo Trung ương, cán bộ Ban trường học Thành đoàn Hà Nội, năm 1964 - 1965 được Thành đoàn cử vào Nam chiến đấu cho rằng phong trào thanh niên Ba sẵn sàng là một trường học lớn đã giáo dục sâu sắc cho thanh niên về lý tưởng và truyền thống cách mạng, truyền thống chống ngoại xâm oanh liệt của dân tộc và của Thủ đô.

Rất nhiều người trong anh em ngày ấy vào chiến trường trang bị và vũ khí nặng tới 34kg trên vai nhưng trong balô còn có cả các cuốn tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy“, “Ruồi trâu“, “Truyện Kiều“ và những bản quyết tâm thư viết bằng máu, ông Ngọc nói.

Theo Anh hùng quân đội Thiếu tướng Lê Mã Lương, Viện trưởng Viện Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam, nét đặc trưng nhất của phong trào Ba sẵn sàng là tinh thần sẵn sàng gia nhập quân đội, đi thanh niên xung phong, sẵn sàng tham gia chiến đấu, chiến đấu dũng cảm. Biểu hiện sinh động về lòng yêu nước, sẵn sàng xả thân cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, từ Hà Nội, Hà Tây, Hải Hưng, Nam Hà, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc ở đâu cũng có đơn thiết tha được gia nhập quân đội vào miền Nam chiến đấu.

Tại Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam và một số bảo tàng quân đội hiện đang lưu giữ những lá đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ viết bằng máu và những cuốn nhật ký của những thanh niên, chiến sĩ sĩ trẻ mà nhiều người đã trở thành anh hùng, dũng sĩ, ông Lương cho biết.

Sáng cùng ngày, Thành đoàn Hà Nội phối hợp với Bảo tàng Cách mạng Việt Nam khai mạc triển lãm ảnh "Từ Ba sẵn sàng đến Thanh niên tình nguyện", giới thiệu hơn 200 bức ảnh và tư liệu, hiện vật về thanh niên Hà Nội trong những năm kháng chiến chống Mỹ và công cuộc xây dựng Thủ đô và đất nước hôm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục