Những người “gác mộ” trước giờ G

Người Hà Nội sắp bỏ thuật ngữ “đi Văn Điển", cũng là lúc số phận 27 con người  mấy chục năm làm nghề "gác" mộ rẽ sang hướng khác.
Cho đến tháng 7/2010, người dân Hà Nội sẽ phải bỏ dần thuật ngữ “đi Văn Điển”. Bởi, theo quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, thời điểm đó, toàn bộ việc hung táng (chôn người mới mất) sẽ được chuyển lên siêu nghĩa trang 600ha Yên Kỳ (Ba Vì).

Nhưng, với 27 con người ngày đêm gác mộ tại nghĩa trang này, câu chuyện lại đi theo một hướng rất khác. Họ sẽ giã từ huyệt mộ, giã từ mấy chục năm "chăm" linh hồn người chết. Một ngả đường mới đang mở ra với không ít lo âu!

Cha truyền con nghề “gác mộ”

Luồn lách giữa ngàn vạn ngôi mộ tại nghĩa trang Văn Điển, chúng tôi mới tìm được anh Nguyễn Đức Học, người “lính già” hơn 30 năm gắn mình với nghiệp “đào huyệt đắp mả” nơi thành phố của người chết này.

Vừa lúi húi dựng lại đóa hoa bị gió thổi nghiêng đêm qua, anh vừa cười tếu táo: “Từ khi theo nghề cuốc xẻng này, tôi được sống ở hai thế giới: một của người thường và một của những người không bao giờ tỉnh giấc”.

Lân la hỏi chuyện, hóa ra từ lúc nghĩa trang Văn Điển được xây dựng năm 1958 đến nay, gia đình anh 2 thế hệ đều gắn bó ở đây. Cha anh chính là một trong những người đầu tiên thuộc “đội quân bốc mả”. Ngày bé, anh Học từng lang thang mọi ngõ ngách ở nơi này. Riết thành quen, lớn lên anh cũng theo chân cha đi gác mộ.

“Cả bên ngoại nhà tôi cũng làm ở đây 2 đời rồi. Ông trời sao mà khéo se duyên”, anh Học rổn rảng cười nói.

Trong trí nhớ của anh, cảm giác rờn rợn đêm đầu tiên đi cải táng (bốc mộ) vẫn còn rõ rệt. Đó là một đêm mùa đông cắt da cắt thịt. Theo lệ, chỉ sau 11 giờ đêm mới được bật nắp quan. “Làm xong, mặc cho trời lạnh buốt người, tôi vẫn tắm cả tiếng đồng hồ. Nhưng mùi xác chết như quấn lấy da thịt mình, phảng phất hàng tuần sau mới bớt”.

Chợt hạ thấp giọng, anh Học nói như thì thầm: “Quăng quật với nghề mấy chục năm nhưng lần nào bốc phải “mộ kết”, tôi vẫn bủn rủn chân tay. Người ốm uống quá nhiều kháng sinh, khi chôn chèn nhiều quần áo hay chè khô lót dưới quan tài, đất khô, kín… làm cho xác không phân hủy được. Khi bốc, mở nắp ván, mùi hôi thôi nồng nặc như muốn xỉu”.

Anh Học bảo muốn làm xong việc thì đầu óc phải đông cứng lại, không nghĩ ngợi được gì mà mọi động tác cứ theo thói quen như cái máy. Chỉ cần một suy nghĩ nhỏ ngay lập tức chân tay sẽ rã rời, mặt mày xây xẩm.

Rùng rợn là vậy, nhưng  có lẽ vất vả thì cũng không nghề nào bằng. Theo tục lệ, phần lớn các mộ đều bốc vào ba tháng cuối năm. Bởi thế, mới có chuyện, một đêm mà đội đào mả có vỏn vẹn 27 người của anh phải làm tới 200 đám. “Mùa cao điểm, tính trung bình mỗi người trong đội phải làm từ 12h đêm đến lúc mặt trời mọc. Hôm nào buổi sáng có đám ma thì lại phải làm tiếp đến trưa”, anh Học cười hiền nói.

Anh Nguyễn Trung Thành, người được coi là trẻ nhất đội với thâm niên 10 năm trong nghề lại có câu chuyện dở khóc dở cười. Khác với anh Học, vợ anh theo nghiệp cáy cày trong làng Văn Điển. Cho tới tận lúc lấy nhau, anh vẫn giấu chị chuyện làm nghề thay áo cho người âm. Mãi về sau, chuyện “vỡ lở”, phải nhờ anh em trong đội làm công tác tinh thần, mãi chị mới nguôi.

Tính đến nay, 27 người bốc mộ Văn Điển đều đã có thâm niên hàng chục năm với nghề. Mỗi người mang trong mình những câu chuyện riêng. Tuy nhiên, thời khắc tháng 7/2010 (thời điểm nghĩa trang Văn Điển ngừng nhận mai táng), tất cả đều có chung nỗi trăn trở về tương lai của mình.

Thấp thỏm chờ dự án

Anh Học, mắt đỏ ngầu vì vừa phải thức trắng một đêm cải mộ, ngồi thần trước mặt chúng tôi. Anh bảo, những điều cực nhọc nhất của nghề các anh đã quá quen. Mưa gió cũng không vấn đề gì. Giờ nghĩ tới cảnh làm công việc khác đã thấy buồn.

“30 năm làm bạn cùng các cụ, giờ chuyển đổi, sao mà không hẫng hụt được”, anh Học nói.

Cũng như anh Học, 27 người khác trong đội tang ma Văn Điển bỗng dưng “được” bỏ mai, thuổng, cuốc... để trở về với công việc khác đỡ nặng nhọc hơn. Nhưng hầu hết anh em trong đội đều cảm thấy như đánh mất một phần quan trọng trong mình vậy.

Về vấn đề này, ông Hoàng Thành Thái, trưởng ban phục vụ lễ tang Hà Nội khẳng định: “Chúng tôi sẽ dần dần chuyển đổi công việc cho anh em, từ lao động chân tay sang làm dịch vụ”.

Cụ thể, đội ngũ những người trông coi mộ chí Văn Điển sẽ được phân công đảm trách công tác vệ sinh, bảo quản nhà để tro. Quan trọng nhất là giữ mức lương ổn định.

Tuy nhiên, anh em trong đội ai cũng băn khoăn về công việc mình sẽ làm trong thời gian sắp tới. Bởi, nói như anh Đinh Công Phúc, đội phó Ban quản lý nghĩa trang Văn Điển: “Anh em đều là công nhân, không có trình độ. Chuyển sang làm việc gì cũng thực sự khó”.

Không đâu xa, anh Thành, người trẻ nhất đội cũng đã gắn bó 10 năm tuổi trẻ của mình với huyệt mộ. Ngoài việc chăm sóc người âm, anh không có công việc gì khác. Cả gia đình 4 người trông hết vào khoản lương ít ỏi hơn 2 triệu của anh.

Lo lắng thế, nhưng bản thân 27 vị công thần của cõi chết ấy cũng không biết làm gì hơn là chờ đợi./.

Bài 3: Thiếu đất, lập nghĩa trang trên... mạng

Dũng Bách (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục