Chuyện về ngôi chùa Việt Nam trên đất Hongkong

Từ nhiều năm nay, “Chùa Việt Nam” ở Nguyễn Lãng đã trở thành nơi lui tới thường xuyên của đông đảo người Việt sống ở Hương Cảng.
Nằm ở Nguyên Lãng, một thị trấn “vùng sâu vùng xa” của Hongkong (Trung Quốc), song từ nhiều năm nay, “Chùa Việt Nam” đã trở thành nơi lui tới thường xuyên của đông đảo người Việt ở Hương Cảng.

Chủ nhật hàng tuần, cộng đồng người Việt thường đến đây để lễ Phật, để gặp gỡ nhau, để tri ân và đặc biệt là để nhớ về quê hương. Trong lúc tại Hongkong chưa hình thành được Hội Việt kiều, “Chùa Việt Nam” dường như đang trở thành một cầu nối giúp họ xích lại gần nhau hơn, là nơi để những con người xa quê hương đất nước tìm được sự giúp đỡ về mặt tinh thần.

Hòa thượng Tây thuê chùa cho Phật tử Việt

Thuê chùa lễ Phật," nghe có vẻ rất lạ với người Việt Nam, song ở nơi “tấc đất, tấc vàng” như Hongkong, việc thuê nhà để ở khá phổ biến, do đó, thuê chùa để lễ Phật cũng là chuyện bình thường.

“Chùa Việt Nam” là tên người Việt ở Hongkong gọi như vậy nhưng trên thực tế, “ngôi chùa” này chưa đủ tiêu chuẩn của một ngôi chùa, đúng hơn chỉ là một Phật đường. Trụ trì “ngôi chùa” rộng chừng 80m2 trên tầng hai một tòa nhà ở thị trấn Nguyên Lãng, Tân Giới (Hongkong) này là Hòa thượng Thích Tín Quang, người mà Phật tử người Việt thường gọi với đầy sự kính trọng là Thầy Tây Đức, vì Hòa thượng là người gốc Đức.

Quá trình hình thành “Chùa Việt Nam” cũng gian truân như cuộc sống của đại đa số người Việt khi mới đến Hongkong và gắn liền với vị Hòa thượng mà hầu hết các Phật tử ở đây coi như cha mình.

Sư cô Thích Định Tịnh, người đèn nhang, trông nom chính ở “Chùa Việt Nam,” nhớ lại: "Thời kỳ trong 'trại cấm' là những chuỗi ngày cơ cực mà ai đã từng trải qua đều không thể quên được. Chính trong giai đoạn khó khăn này, thầy Tây Đức đã đến với người Việt, thầy cùng các Phật tử địa phương đi quyên góp, giúp đỡ người trong trại từ cái ăn cái mặc, dạy dỗ trẻ con học hành, đến việc trao đổi thư từ liên lạc với bên ngoài trại, tìm cách giúp đỡ họ sớm ra khỏi 'trại cấm'. Quan trọng hơn, thầy Tây Đức còn dạy họ hướng thiện, tránh xa tội lỗi, biết thương yêu con người và sống có niềm tin."

Sau khi ra khỏi "trại cấm", cuộc sống của người Việt ở Hongkong lại phải đối mặt với vô số khó khăn khác. Đơn độc nơi đất khách quê người, phần lớn không có trình độ học vấn, không biết ngôn ngữ, văn hóa và luật pháp sở tại… Lúc này, họ tiếp tục tìm thấy chỗ dựa tinh thần từ thầy Tây Đức, không ít người được thầy giúp đỡ tìm kiếm công ăn việc làm, chỗ ở, tìm luật sư giúp giải quyết các vấn đề về pháp lý, sư cô Thích Định Tịnh cho biết.

Cảm phục trước ân đức của thầy, vào khoảng năm 1997, một số người Việt đã tình nguyện làm “đệ tử," theo thầy học Phật pháp, tu tâm tích đức. Là một hòa thượng tu hành khổ hạnh và cũng có thể do ngôn ngữ bất đồng, thầy Tây Đức không giảng Phật pháp mà chỉ hướng dẫn, tìm mua kinh sách về để các Phật tử của mình tự học. Và cũng vì là người tu hành khổ hạnh, thầy không có chùa riêng, các buổi tụng kinh niệm phật hay các buổi lễ cầu siêu của cộng đồng người Việt lúc đó được tổ chức tại nhà của các phật tử hay tổ chức nhờ tại một ngôi chùa nào đó.

Dần dần thành lệ, cứ vào ngày chủ nhật cuối tháng, các phật tử lại tập trung tại nhà của một Phật tử để tụng kinh niệm phật, trao đổi kinh sách và để thọ chay do chính tay thầy Tây Đức tự làm. Cùng với thời gian, cuộc sống của bà con người Việt ở Hongkong dần ổn định, nhu cầu tín ngưỡng cũng như nhu cầu tìm tới cộng đồng ngày cao. Tổ chức tôn giáo tự phát này vì thế ngày càng thu hút được nhiều người Việt tham gia hơn và họat động cũng trở nên thường xuyên hơn.

Sự phát triển này đã thôi thúc nhu cầu về một địa điểm ổn định hơn, đàng hoàng hơn và quy chuẩn hơn để Phật tử sinh hoạt. Sau một thời gian tìm kiếm, năm 2006, thầy Tây Đức cuối cùng cũng đứng ra thuê lại được gian Phật đường nói trên, vốn của một Hòa Thượng người Hongkong, để các Phật tử cùng cộng đồng người Việt sinh hoạt tín ngưỡng và sinh hoạt cộng đồng. Đó chính là “Chùa Việt Nam” hiện nay.

Không chỉ là một ngôi chùa

Bôn ba nơi đất khách quê người đã hơn 20 năm, giờ không còn đủ sức khỏe để tiếp tục lao động, đối với chị Vũ Thị Hậu, “Chùa Việt Nam” từ lâu đã trở nên rất đỗi thân thiết. Đến với “chùa," chị cảm thấy lòng nhẹ nhõm hơn, tinh thần thư thái hơn và được là chính minh hơn.

Chị Hậu cho biết, cuộc sống tinh thần của chị em phụ nữ Việt Nam ở Hongkong gặp nhiều khó khăn, nhiều chị em lấy chồng không tự nguyện, không có tình cảm, cộng thêm văn hóa bất đồng nên cuộc sống gia đình không mấy hạnh phúc. Do đó, chị em xa quê hương thường đến “chùa” để tụng kinh niệm phật và cũng lấy “chùa” làm chỗ dựa tinh thần, là nơi để tâm sự, chia sẻ tình cảm, trao đổi kinh nghiệm… để nâng đỡ nhau trong cuộc sống. Đó cũng là lý do tại sao phần đông người Việt lui tới “chùa” thường là phụ nữ.

Không chỉ là những người từng chịu ơn thầy Tây Đức từ ngày còn trong “trại cấm," khá nhiều người Việt Nam mới sang Hongkong vài năm nay cũng tự nguyện làm phật tử “theo” Thầy. Không chỉ đơn thuần là nơi tụng kinh niệm phật, “Chùa Việt Nam” giờ đây đã thực sự trở thành cầu nối, là nơi để những con người xa quê hương tìm được sự giúp đỡ về mặt tinh thần, hướng về đất nước.

Thời gian qua, thông qua chùa, các phật tử người Việt ở Hongkong đã quyên góp công đức tiến hành một số hoạt động giúp đỡ các chùa khó khăn ở Việt Nam, ủng hộ đồng bào một số địa phương bị thiệt hại do thiên tai gây ra…

Theo sư cô Thích Định Tịnh, “Chùa Việt Nam” hiện vẫn chỉ là một tổ chức tự phát trên cơ sở nhu cầu về tín ngưỡng, hoạt động nhờ vào sự quyên góp, ủng hộ của các phật tử cũng như cộng đồng người Việt tại Hongkong. Cho đến nay, “Chùa Việt Nam” vẫn chưa có quan hệ chính thức hay liên lạc với bất cứ tổ chức tôn giáo hay chính trị, xã hội nào, cả trong và ngoài nước.

Thỉnh thoảng, một vài Phật tử có điều kiện kinh tế tự nguyện đứng ra mời các sư thầy từ Việt Nam sang để giảng Phật pháp. Các phật tử người Việt ở Hongkong đều mong mỏi có được một ngôi chùa thật sự của mình./.

Thành Dương (Báo Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục