Tháng đầu tiên thu phí bảo trì đường bộ: Khả quan

Ông Lê Hoàng Minh, Chánh văn phòng Hội đồng Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương cho biết sau một tháng triển khai, công tác thu phí sử dụng đường bộ bước đầu đạt kết quả tốt, cả nước đã thu được 300 tỷ đồng. Qua thực tế cho thấy, đa số người dân và các chủ phương tiện đều đồng tình ủng hộ chủ trương thu phí bảo trì đường bộ. Tuy nhiên, có rất nhiều ý kiến khác nhau về các hình thức để thu loại phí này, nhưng tựu trung lại họ đều muốn việc thu phí bảo trì đường bộ sao cho thuận tiện, công bằng cho người dân.Ngoài ra, tại một số địa phương, không ít ý kiến cũng cho rằng, Nhà nước cũng nên tính toán vì thu đổ đồng các loại xe theo một mức rất thiệt thòi cho những phương tiện tham gia giao thông ít.
Ông Lê Hoàng Minh, Chánh văn phòng Hội đồng Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương cho biết sau một tháng triển khai, công tác thu phí sử dụng đường bộ bước đầu đạt kết quả tốt. Cả nước đã thu được 300 tỷ đồng.

Những kết quả bước đầu

Việc thực hiện thu Quỹ bảo trì đường bộ ở Yên Bái diễn ra khá suôn sẻ. Ông Vũ Huấn, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Yên Bái cho biết hiện nay tại trung tâm đã có khá đông các chủ xe ôtô tới nộp phí bảo trì đường bộ. Phần lớn các chủ phương tiện đến đăng kiểm xe ôtô rồi nộp phí luôn.

Bên cạnh đó nhiều người tuy chưa đến kỳ đăng kiểm xe nhưng họ cũng đã tự giác đến để nộp phí. Tuy nhiên, do đây là một việc làm mới nên những ngày đầu cũng gặp những khó khăn nhất định, lượng phương tiện đến đăng kiểm khá đông, do đó trung tâm phải cử thêm hai cán bộ thực hiện công việc này như nhập số liệu, lập phiếu, thu tiền rồi cấp biên lai, in tem và dán tem.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, có những ngày cán bộ trung tâm phải làm việc đến 19 giờ mới được nghỉ. Nhìn chung, các chủ phương tiện đều vui vẻ và chấp hành tốt việc nộp phí.

Anh Phạm Văn Doanh, chủ doanh nghiệp tư nhân ở xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên có xe Santafe vừa hoàn thành thủ tục nộp phí bảo trì đường bộ, chia sẻ: "Việc thực hiện thu phí bảo trì đường bộ là một chủ trương đúng, tôi hoàn toàn ủng hộ. Với mức thu phí 130.000 đồng/xe/tháng như xe của gia đình tôi là chấp nhận được."

Theo thống kê từ các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn tỉnh Gia Lai, sau gần một tháng triển khai thu phí bảo trì dường bộ, đã có gần 2.000 phương tiện cơ giới nộp phí với tổng số tiền 3,8 tỷ đồng. Mức thu phí thấp nhất đối với xe ôtô là 130.000 đồng/tháng và cao nhất là 1,04 triệu đồng/tháng. Mặc dù còn nhiều ý kiến trái chiều, song ý thức chấp hành của người dân trên địa bàn tỉnh rất tốt, việc thu phí thuận lợi, đạt kết quả cao.

Cụ thể đến thời điểm này đã có hơn 70 trường hợp chủ xe tự giác đến nộp phí sử dụng đường bộ mặc dù phương tiện chưa tới kỳ đăng kiểm. Nhiều chủ xe tỏ thái độ rất tự giác, vui vẻ khi đến nộp phí và mong muốn nguồn quỹ này nhanh chóng được đưa vào tái đầu tư sửa chữa, bảo trì đường xá góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân được thuận lợi và đảm bảo an toàn giao thông.

Ông Đỗ Đình Bằng, Phó giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 8103D Gia Lai, Cục đăng kiểm Việt Nam cho biết hiện tỉnh Gia Lai quản lý về hồ sơ gần 20.000 xe cơ giới. Việc triển khai thu phí sử dụng đường bộ được người dân hưởng ứng nhiệt tình. Hầu hết mọi người dân đều hiểu rõ bản chất của vấn đề: nộp phí là cơ sở để bảo trì hệ thống đường bộ góp phần làm giảm giá thành vận tải, theo đó giảm giá thành sản phẩm cuối cùng và người dân được hưởng những dịch vụ giao thông ngày một tốt hơn.

Ông Lê Hoàng Minh, Chánh văn phòng Hội đồng Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương cho biết kể từ khi quy định việc thu phí bảo trì đường bộ có hiệu lực, theo Nghị định 18 và Thông tư 197, các trạm thu phí nhà nước phải ngừng thu.

Bộ Giao thông Vận tải đã dừng hoàn toàn 17 trạm, còn 10 trạm nữa thời gian tới sẽ nghiên cứu, phối hợp với Bộ Tài chính triển khai công tác thu phí cho hợp lý.

Hiện Bộ Giao thông Vận tải đã tính tới hai phương án, thứ nhất là kiến nghị với Bộ Tài chính và báo cáo Thủ tướng Chính phủ để sớm ngừng thu tại các trạm thu phí đó. Thứ hai, nếu ngân sách Nhà nước không có khả năng trả, phải sử dụng tiền của Quỹ bảo trì đường bộ hoàn vốn lại cho doanh nghiệp. Trước đó, năm trạm đã được bán quyền thu phí là do không có nguồn vốn bảo trì nên phải bán với số tiền hơn 1.000 tỷ đồng để lấy tiền sử dụng cho công tác bảo trì đường bộ.

Đề cập đến việc thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy, theo ông Minh, có nhiều người dân và địa phương hiểu nhầm về quy định thu phí đường bộ đối với xe máy là Bộ Giao thông Vận tải nhờ các địa phương thu hộ rồi chuyển về Bộ.

“Trách nhiệm thu phí đối với xe máy thuộc thẩm quyền của địa phương và Bộ Tài chính đã có văn bản hướng dẫn cụ thể. Quỹ bảo trì đường bộ thu đối với xe máy do địa phương thu và giữ lại 100% để bảo trì, duy tu sửa chữa đường bộ địa phương chứ Bộ Giao thông Vận tải, Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương không lấy một đồng nào,” ông Minh khẳng định.

Giải đáp những thắc mắc của nhiều người lo ngại khi có thêm đơn vị, tổ chức thu sẽ hình thành thêm bộ máy, ông Minh cho rằng trước đây, các tổ dân phố vẫn tiến hành thu một số khoản tiền như thu thuế đất. Hiện nay, thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy cũng chỉ là việc làm song song của họ nên không cần thiết phải huy động bộ máy cồng kềnh như dư luận lo ngại. Tuy nhiên, ông Minh cũng thừa nhận, hiện nay, ở một số tổ dân phố đã xuất hiện tình trạng tranh nhau làm tổ trưởng bởi việc xã phường thu phí đối với xe máy sẽ được trích số tiền phần trăm để trả lại cho tổ chức thu.

Vẫn còn khó khăn, vướng mắc

Bên cạnh những kết quả đạt được, ở không ít địa phương việc thu phí bảo trì đường bộ vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Tại tỉnh Yên Bái, nhiều cán bộ xã, phường còn băn khoăn bởi các tổ trưởng tổ dân phố không thể nhanh chóng thống kê hết được các phương tiện trong từng hộ gia đình, nhất là có nhiều gia đình sử dụng nhiều xe gắn máy, đấy là còn chưa kể đi mượn, xe đi không chính chủ? Bình quân mỗi tổ dân phố, mỗi khu dân cư có cả trăm hộ dân, một mình tổ trưởng khó mà đảm nhận hết được. Đấy là chưa tính đến việc thu phí xe máy phải sử dụng hóa đơn, phiếu thu trong khi đó hầu hết các tổ trưởng không có nghiệp vụ về tài chính kế toán rất dễ nhầm lẫn, sai sót...

Một vấn đề nữa đặt ra là nhiều gia đình có tới 5-6 xe máy, hoặc đã có ôtô nhưng vẫn giữ xe máy lại để sử dụng những lúc cần thiết nên có những xe máy sử dụng rất ít, trong khi mức thu bằng nhau dẫn đến thiếu công bằng và liệu gia đình có chịu nộp khoản phí này không?

Bên cạnh đó, nếu người dân không chịu nộp phí, các địa phương cũng chưa có chế tài để xử phạt. Anh Mai Văn Tứ ở xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên ở tỉnh Yên Bái nói: "Việc triển khai thu phí bảo trì đường bộ chúng tôi hoàn toàn nhất trí, nhưng mức thu từ thành phố, thị xã đến các vùng nông thôn như nhau là thiếu công bằng. Phí bảo trì đường bộ nhưng xe của chúng tôi chủ yếu là đi trong làng, trong xã, đường làng là do Nhà nước và nhân dân cùng làm, giờ bắt chúng tôi nộp như ở thành phố thì không hợp lý."

Qua thực tế cho thấy, đa số người dân và các chủ phương tiện đều đồng tình ủng hộ chủ trương thu phí bảo trì đường bộ. Tuy nhiên, có rất nhiều ý kiến khác nhau về các hình thức để thu loại phí này, nhưng tựu trung lại họ đều muốn việc thu phí bảo trì đường bộ sao cho thuận tiện, công bằng cho người dân.

Ông Võ Bá Trọng, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm thủy-bộ tỉnh Bình Định cho biết thêm trong những ngày đầu triển khai thu phí bảo trì đường bộ đã bộc lộ một số khó khăn như đa số người có phương tiện đến nộp phí theo qui định đều có chung một tâm trạng búc xúc nhất là số tiền thu quá lớn, đặc biệt là các loại phương tiện vận tải lớn của tư nhân đứng tên chính chủ; khâu tổ chức thu phí chưa khoa học, nên cán bộ công nhân viên phải làm thêm ngoài giờ mới giải quyết dứt điểm công việc trong ngày... Đến nay tỉnh Bình Định có khoảng 18.000 ôtô các loại và nếu thuận lợi hơn thì phấn đấu mỗi năm thu đạt khoảng 50 tỷ đồng.

Ngoài ra, tại một số địa phương, không ít ý kiến cũng cho rằng, Nhà nước cũng nên tính toán vì thu đổ đồng các loại xe theo một mức rất thiệt thòi cho những phương tiện tham gia giao thông ít. Cùng với đó là việc thu phí đối với các xe kinh doanh vận tải, tất yếu giá cước vận tải phải nâng lên và người chịu cuối cùng lại chính là người dân. Theo như biểu giá thu hiện nay, giá cước vận tải tăng ít nhất là từ 5-7%./.

PV (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục