Tiểu vùng Mekong mong có nhiều nhà tài trợ hơn

Nhiều dự án của tiểu vùng Mekong chậm tiến độ do thiếu vốn, nên rất cần sự quan tâm hơn nữa của các nhà tài trợ, tổ chức quốc tế.
Những chương trình hợp tác khu vực, tác động và những kinh nghiệm ứng phó là các vấn đề nóng  được đưa ra tại hội thảo “Vượt qua khủng hoảng, hướng tới một tiểu vùng Mekong mở rộng năng động” diễn ra ngày 30/11, tại Hà Nội.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung vào các vấn đề như hợp tác phát triển vùng Mekong mở rộng, tác động của cuộc khủng hoảng tài chính đối và ứng phó của các nước Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS), hợp tác phát triển và đầu tư với các tham luận về Chương trình GMS và vai trò của Ngân hàng Phát triển Châu Á, Việt Nam trong chương trình GMS-cơ hội và thách thức...

Các đại biểu tại hội thảo thống nhất nhìn nhận GMS đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong hợp tác tiểu vùng. Sự hỗ trợ to lớn của các nhà tài trợ trong và ngoài khu vực dành cho các dự án GMS đã tạo đà và triển vọng hợp tác đầu tư tốt đẹp trong khu vực, tuy nhiên, khó khăn thách thức vẫn đang ở phía trước.

Do tác động của khủng hoảng, nhiều chương trình, dự án ưu tiên GMS còn chưa huy động được nguồn vốn đầu tư, nhiều chương trình đang thực hiện phải dãn tiến độ do thiếu vốn, gây hậu quả to lớn. Để giải quyết các khó khăn trên, bên cạnh những nỗ lực từ chính mình, GMS mong muốn sự quan tâm nhiều hơn nữa của các nhà tài trợ và các tổ chức quốc tế.

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc nêu rõ kinh tế thế giới nói chung và Tiểu vùng Mekong mở rộng nói riêng đã có những dấu hiệu khởi sắc, song tiến trình phục hồi không đồng đều và còn chưa bền vững.

Theo Bộ trưởng, những nguy cơ tiềm ẩn và diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới đang cảnh báo GMS phải thận trọng và cùng nhau hợp tác chặt chẽ hơn nữa, cùng nhau phối hợp hành động để khắc phục những hậu quả do cuộc khủng hoảng, suy thoái kinh tế và biến đổi khí hậu gây ra.

Bộ trưởng khẳng định Việt Nam tiếp tục cam kết tham gia và đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ với các nước để thực hiện sáng kiến hợp tác tiểu vùng.

Ông Ayumi Konishi, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam cho biết, ADB đã tài trợ cho GMS 41 dự án trị giá 11 tỷ USD và 179 dự án hỗ trợ kỹ thuật với 208 triệu USD, trong đó Việt Nam tham gia 14 dự án vay vốn và 135 dự án hỗ trợ kỹ thuật.

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Sakaba Mitsuo cũng nêu rõ Nhật Bản coi Mekong là khu vực trọng điểm, tiếp tục chính sách tăng cường viện trợ ODA. Trong 3 năm tới Nhật sẽ viện trợ phát triển ODA trị giá khoảng 5,5 tỷ USD cho khu vực này.

Định hướng các hoạt động trong khu vực được hội thảo xác định cần cải thiện điều kiện sống cho người dân trong lưu vực, đặc biệt người nghèo; tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên đất và nước; phát triển phù hợp tiềm năng thủy điện trong lưu vực để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về nănng lượng...

Yếu tố quan trọng để thúc đẩy hội nhập và hợp tác của GMS trong thời gian tới được các đại biểu nhấn mạnh chính là quyết tâm của các chính phủ trong tiểu vùng.

Cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm toàn cầu vừa qua không chỉ thách thức mà đã trở thành thời cơ để các Chính phủ trong tiểu vùng quyết tâm hơn nữa trong việc thực hiện sáng kiến hội nhập GMS và thu hút các nguồn vốn trong và ngoài khu vực phục vụ cho phát triển ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục