Gạo, đường bất ngờ tăng giá nhưng không đột biến

Vừa qua, hai mặt hàng gạo và đường đã bất ngờ tăng giá khá mạnh nhưng không đột biến về giá cả do cân đối cung cầu vẫn ổn định.
Sau một thời gian ổn định ở mức giá thấp, vừa qua, hai mặt hàng gạo và đường đã bất ngờ tăng giá khá mạnh. Nhưng theo các chuyên gia của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hai mặt hàng trên sẽ khó xảy ra đột biến về giá cả do cân đối cung cầu vẫn ổn định.

Cung cầu gạo ổn định

Vừa qua, có thông tin cho rằng, giá gạo tăng mạnh là do Trung Quốc mất mùa nên mua vét gạo Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Trịnh Văn Tiến, Trưởng phòng Phân tích ngành hàng, Viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Trung Quốc không có dấu hiệu mất cân đối cung-cầu lúa gạo.

Giá gạo thị trường nội địa Trung Quốc cao hơn Việt Nam là nguyên nhân chính khiến thương lái Trung Quốc sang mua gạo của Việt Nam trong những tháng vừa qua nhằm kiếm lợi nhuận.

Cung cầu thị trường gạo thế giới trong thời gian tới cũng không mất cân bằng. Ấn Độ tiến hành vụ Rabi (vụ hè thu) năm nay đầy khó khăn do hạn hán. Tuy nhiên trong tháng Bảy vừa qua, mưa lớn khiến nhiều bang trồng lúa đã cải thiện tình hình.

Dự báo vụ này, sản lượng lúa của Ấn Độ sẽ tăng 14,7 triệu tấn so với vụ Rabi năm ngoái.

Một điểm đáng lưu ý là từ đầu năm đến nay, rất nhiều nước như Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc đã nâng sản lượng dự trữ cao hơn năm trước nhằm tăng cường khả năng an ninh lương thực quốc gia.

Như vậy, khả năng thiếu hụt nguồn cung gạo thế giới trong những tháng cuối năm là khó xảy ra. Hơn nữa, với khối lượng dự trữ dồi dào, các nước tiêu dùng gạo đều có đủ khả năng can thiệp nếu thị trường có biến động lớn.

Đối với Việt Nam, thị trường gạo trong nước khá ảm đạm trong sáu tháng đầu năm, giá xuất khẩu gạo liên tục giảm đã kéo theo giá thu mua trong nước cũng bị giảm theo.

Tuy nhiên, từ cuối tháng 6 đến nay, giá thu mua lúa trong nước được cải thiện nhờ Chính phủ triển khai chương trình thu mua 1 triệu tấn gạo, cùng với đó là việc thương gia Trung Quốc sang mua lúa gạo đã làm thị trường gạo trong nước sôi động hơn.

Bộ Công Thương cũng khẳng định, lượng cung lúa gạo hiện nay hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu trong nước.

Viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đã đưa ra kịch bản về triển vọng thị trường gạo cuối năm.

Trong đó nhận định, giá gạo trong quý 3 sẽ tăng nhẹ và đến đầu quý 4 có thể có thay đổi do thời điểm này hầu hết các khu vực canh tác lúa mỳ và gạo trên thế giới đều kết thúc vụ gieo trồng chính trong năm. Nhiều khả năng giá gạo sẽ tăng lên nhưng khó có đột biến ở thời điểm cuối năm.

Tăng nhập khẩu để ổn định giá đường

Theo ông Hà Hữu Phái, Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, giá đường trong nước sẽ ổn định đến hết tháng Chín, trước khi các nhà máy đường bước vào vụ sản xuất 2010-2011 vào tháng Mười. Ông Phái cho biết, tính đến ngày 15/8, lượng đường dự trữ của nước ta còn gần 127.000 tấn.

Trong khi đó, có thể từ ngày 15/9, các nhà máy đường ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ bắt đầu vào vụ sản xuất đường 2010-2011, còn các tỉnh khác chậm nhất là cuối tháng Mười sẽ vào vụ nên không lo thiếu đường trong những tháng cuối năm.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, từ ngày 15/7 đến 15/8, lượng đường được bán ra trên thị trường là 46.100 tấn, trong khi thời điểm này năm ngoái (phục vụ mùa bánh Trung thu) lượng đường bán ra là 100.000 tấn.

Lý giải về việc lượng đường bán giảm trong mùa Trung thu này, ông Phái cho rằng do nhiều công ty sản xuất trực tiếp các mặt hàng như bánh kẹo, nước giải khát được Bộ Công Thương cho phép nhập khẩu đường trực tiếp và những công ty nhập khẩu đường để tham gia bình ổn giá trong hạn ngạch 300.000 tấn đường của năm 2010.

“Vấn đề hiện nay là Bộ Công Thương phải làm sao thúc đẩy những công ty được phép nhập khẩu đường tiếp tục nhập đủ số lượng như đã được phân bổ, có như vậy mới mong ổn định giá đường,” ông Phái nói.

Niên vụ sản xuất đường 2010-2011 Hiệp hội Mía đường Việt Nam dự đoán sản lượng ước chừng 900.000 tấn, bằng với niên vụ 2009-2010. Như vậy, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu 300.000 tấn trong năm 2011./.

(Báo Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục