Năm 2010 - Năm của các thủy thủ tàu biển

Năm 2010 đã được chọn là "Năm của thủy thủ tàu biển", nhằm ghi nhận đóng góp của các thuyền viên và những hiểm họa mà họ gặp phải.
Hội đồng Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO) trong kỳ họp thứ 102 năm 2009 đã quyết định chọn năm 2010 là "Năm của thủy thủ tàu biển".

Tổng Thư ký IMO, ông Efthimios E. Mitropoulos nhấn mạnh chủ đề này của năm 2010 nhằm tôn vinh các thuyền viên trên thế giới vì những đóng góp to lớn của họ cho xã hội, cũng như thừa nhận những hiểm họa mà họ gặp phải trong các hành trình trên biển và đại dương.

Hàng hải là ngành mang tính quốc tế nhất trong các ngành công nghiệp lớn của thế giới, đồng thời cũng là một trong những ngành nhiều rủi ro nhất.

Cùng với quyết định chọn năm 2010 là "Năm của thủy thủ tàu biển", chiến dịch mang tên "Đi ra biển" (Go to sea) do IMO, Tổ chức Lao động thế giới (ILO), Liên đoàn công nhân vận tải quốc tế và Hội nghị bàn tròn các tổ chức công nghiệp vận tải đường biển cùng phát động sẽ thu hút nguồn nhân lực đang rất thiếu cho ngành vận tải đường biển.

Số liệu của IMO cho thấy ngành hàng hải quốc tế đang thiếu nghiêm trọng thuyền viên, đặc biệt là sĩ quan hàng hải, đe dọa tương lai của ngành này. Năm 2008, ngành có 1,5 triệu thủy thủ, thiếu 34.000 sĩ quan và con số thiếu này sẽ lên tới 83.900 sĩ quan vào năm 2012.

Theo ông Efthimios, phát triển các quy chế quốc tế về hàng hải ràng buộc tất cả các nước tham gia vận tải đường biển là giải pháp tối ưu để tăng cường an toàn hàng hải quốc tế.

IMO đang xem xét và sửa đổi Công ước quốc tế về các tiêu chuẩn đào tạo, cấp bằng và kiểm tra đối với các thủy thủ để có thể thông qua và áp dụng trên toàn cầu vào giữa năm 2010, đồng thời thông qua Công ước mới về an toàn cuộc sống trên biển, công ước quan trọng nhất trong các hiệp ước điều chỉnh an toàn hàng hải thế giới.

Tổ chức hàng hải quốc tế, tiền thân là Tổ chức tư vấn hàng hải liên chính phủ (IMCO) được thành lập tại Geneve (Thụy Sĩ) vào năm 1948 và chính thức đổi tên thành IMO vào năm 1982.

Đặt trụ sở tại London (Anh), IMO là một cơ quan chuyên ngành của Liên hợp quốc với mục đích chính là phát triển và duy trì một khuôn khổ quy định toàn diện về hàng hải.

IMO có 168 quốc gia thành viên, được điều hành bởi một Hội đồng các thành viên và công việc của tổ chức này được quản lý thông qua 5 ủy ban với sự hỗ trợ của các tiểu ban kỹ thuật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục