FAO nỗ lực giảm nguy cơ lây dịch bệnh từ động vật

FAO nhấn mạnh sự phối hợp đa ngành để giải quyết vấn đề y tế bắt nguồn từ tương tác giữa động vật hoang dã, động vật nuôi và con người.
Ngày 30/5, Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) và Viện Max Planck của Đức đã thoả thuận thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược nhằm phối hợp các nguồn nhân lực và tài lực tập trung nghiên cứu các tương tác giữa động vật hoang dã, động vật nuôi và con người.

FAO nhấn mạnh, trong thế giới kết nối toàn cầu, sự gia tăng dân số, giao thông hiện đại và buôn bán động vật và sản phẩm từ động vật tăng nhanh trên toàn cầu đã đẩy nhanh quá trình lây lan dịch bệnh giữa các loài động vật và giữa động vật với con người, tác động nghiêm trọng đến cuộc sống và sức khỏe của người dân thế giới.

Dịch cúm A/H1N1 và dịch cúm gia cầm H5N1 mới đây là hai dịch bệnh từ động vật chuyển sang người có tốc độ lây lan nhanh.

Trong bối cảnh này, FAO thúc đẩy đường lối “một nền y tế,” trong đó nhấn mạnh sự phối hợp đa ngành để giải quyết các vấn đề y tế đang thách thức nhân loại, bắt nguồn từ sự tương tác sinh thái giữa động vật hoang dã, động vật nuôi và con người.

Nghiên cứu chung của FAO và Viện Max Planck nhằm xác định nhân tố nguy hiểm nhất trong hệ sinh thái nông nghiệp có thể làm lây lan dịch bệnh giữa động vật hoang dã, động vật nuôi và con người, đồng thời hỗ trợ các nước tăng cường năng lực cân bằng giữa duy trì nguồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học với việc mở rộng và tăng cường sản xuất nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực.

Phối hợp giữa các dữ liệu về sự di chuyển của động vật hoang dã của Viện Max Planck với dữ liệu của FAO về động vật nuôi và những thay đổi hệ sinh thái do sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và đô thị hóa sẽ soi sáng những tương tác giữa động vật và con người, xác định các ưu tiên bảo tồn, giúp phản ứng và xử lý hiệu quả hơn các hiểm họa y tế.

Các tác nhân gây bệnh không còn bị xem xét biệt lập trong khu vực vật nuôi mà được đặt trong bối cảnh rộng lớn hơn của phát triển nông nghiệp bền vững và phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường và trong dài hạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục