Mỹ hàn gắn với Mỹ Latinh và thế giới Hồi giáo

Tuần này có thể coi là một tuần bận rộn của giới chức Mỹ khi cả Tổng thống Barack Obama và Ngoại trưởng Hillary Clinton đều chuẩn bị cho những sự kiện ngoại giao quan trọng, thể hiện những điều chỉnh của Washington trong chính sách đối ngoại với khu vực Mỹ Latinh và thế giới Hồi giáo.

Tuần này có thể coi là một tuần bận rộn của giới chức Mỹ khi cả Tổng thống Barack Obama và Ngoại trưởng Hillary Clinton đều chuẩn bị cho những sự kiện ngoại giao quan trọng, thể hiện những điều chỉnh của Washington trong chính sách đối ngoại với khu vực Mỹ Latinh và thế giới Hồi giáo.

Từ Mỹ Latinh

Chuyến công du Mỹ Latinh (bắt đầu từ đầu tuần này) của Ngoại trưởng Hillary là sự khẳng định quyết tâm của Mỹ muốn hiện thực hóa thông điệp hàn gắn với khu vực từng là "sân sau" của mình mà ông Obama đã đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh các nước châu Mỹ trung tuần tháng Tư vừa qua.

Với chặng dừng chân đầu tiên tại El Salvador, bà Hillary đã dự lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mauricio Funes và gặp riêng nhà lãnh đạo cánh tả này. Khẳng định Washington cam kết tìm kiếm một cách tiếp cận mới với khu vực, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ thừa nhận không phải lúc nào mọi quyết sách của Washington cũng là đúng đắn và quan hệ nhiều trắc trở giữa Mỹ và các nước khu vực Mỹ Latinh kéo dài nhiều thập kỷ qua là hệ quả tất yếu của chính sách độc tôn, "không chịu lắng nghe, không chịu thấu hiểu" của các chính quyền tiền nhiệm.

Bằng sự thừa nhận này, Ngoại trưởng Hillary đã ám chỉ tới một sự thay đổi, khẩu hiệu đã trở thành "lá bùa" mang lại chiến thắng áp đảo cho ông Obama trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm trước. Bà đã kêu gọi hai bên cùng tạm gác lại các bất đồng trước đây và hướng tới một thời kỳ mới với tương lai rộng mở hơn.

Rời El Salvador, Ngoại trưởng Hillary tới Honduras dự phiên họp Đại Hội đồng Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) với trọng tâm là vấn đề tái kết nạp Cuba. Các quan chức Mỹ cho biết sẵn sàng ủng hộ việc bãi bỏ nghị quyết trước đây loại Cuba ra khỏi OAS, nhưng lại muốn gắn vấn đề này với những cải cách dân chủ ở Cuba.

Trước thời điểm này, quan hệ Mỹ-Cuba đã có nhiều dấu hiệu "tan băng". Mỹ đã bãi bỏ những hạn chế đối với việc đi lại và tài chính của người Mỹ gốc Cuba. Trong khi đó, Cuba đã đồng ý nối lại các cuộc đàm phán với Washington về vấn đề di cư và dịch vụ thư tín trực tiếp, đồng thời đề xuất mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực chống khủng bố, chống ma túy, chuẩn bị đối phó với bão và các thảm họa khác.

Đến thế giới đạo Hồi

Sự kiện được thế giới mong đợi hơn chính là chuyến công du tới Ai Cập và Arập Xêút của Tổng thống Obama. Chuyến thăm lịch sử đến với trái tim của đạo Hồi này được giới quan sát kỳ vọng sẽ là cơ hội để nước Mỹ hàn gắn quan hệ không mấy "xuôi chèo mát mái" với hơn 1,5 tỷ tín đồ Hồi giáo trên thế giới.

Bối cảnh chuyến thăm Trung Đông của ông Obama lần này là quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Iran; chiến dịch quân sự của Mỹ tại Iraq và Afghanistan, vốn là hệ lụy của vụ tấn công khủng bố 11/9/2001; sự tồn tại gây tranh cãi của nhà tù giam giữ nghi can khủng bố ở vịnh Guantanamo; vụ bê bối ngược đãi tù nhân ở các nhà giam do Mỹ quản lý tại Iraq.

Bên cạnh đó là tiến trình hòa bình Trung Đông dang dở và sự trỗi dậy mạnh mẽ của phiến quân Hồi giáo tại Afghanistan và Pakistan. Những vấn đề đó đã khiến quan hệ Mỹ với thế giới Hồi giáo trong những năm qua trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết.

Cũng chính vì thế, trong chuyến công du lần này, Tổng thống Obama thực hiện một sứ mạng không mấy dễ dàng - đó là hàn gắn quan hệ với cộng đồng Hồi giáo và khôi phục hình ảnh nước Mỹ trong con mắt thế giới đạo Hồi.

Để chuẩn bị cho mục tiêu này, ngoài các cuộc hội đàm với những người đồng cấp nước chủ nhà về quan hệ song phương, Tổng thống Obama dự định sẽ có một bài phát biểu dài tại thủ đô Cairo của Ai Cập.

Đây không phải là lần đầu tiên ông chủ thứ 44 của Nhà Trắng thể hiện mong muốn sớm tìm được tiếng nói chung với thế giới Hồi giáo. Còn nhớ trong lễ nhậm chức tổng thống ngày 20/1 vừa qua, khi tuyên thệ, ông đã dùng tên đầy đủ là Barack Hussein Obama và cam kết sẽ “tìm kiếm một hướng đi mới dựa trên lợi ích chung và sự tôn trọng lẫn nhau”.

Những bước đi sau đó của ông Obama là cấm các hình thức thẩm vấn hà khắc nghi can khủng bố, vạch lộ trình đóng cửa nhà tù Guantanamo, trả lời phỏng vấn chính thức trên kênh truyền hình Arập Al Arabiya, cử đặc phái viên tới Trung Đông trong một chuyến công du “để lắng nghe”. Tất cả những bước đi trên cho thấy một Tổng thống Obama đang nỗ lực thoát khỏi “bóng ma” của các chính sách dưới thời người tiền nhiệm G.Bush để tạo ra một hình ảnh nước Mỹ thân thiện hơn với thế giới.

Mục tiêu là vậy, song làm được đến đâu là vấn đề không đơn giản và cần có thời gian kiểm nghiệm.

Tuy nhiên, có một điều không thể phủ nhận là những điều chỉnh trong chính sách ngoại giao của ông Obama đang thổi một luồng gió mới, dễ chịu và cởi mở hơn, khác hẳn với thái độ khép kín theo chủ nghĩa đơn cực, suy tôn Mỹ là cực duy nhất trên thế giới của chính quyền tiền nhiệm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục