ADB nâng dự báo tăng trưởng Việt Nam lên 4,7%

Ngân hàng Phát triển châu Á đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng đối với Việt Nam cả năm 2009, từ 4,5% dự báo trong tháng 3 lên 4,7%.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 22/9 đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng đối với Việt Nam cả năm 2009, từ 4,5% dự báo trong tháng 3 lên 4,7% và giữ nguyên mức dự báo 6,5% cho năm 2010.

Đây là một phần báo cáo Cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á 2009 (ADO) do ADB công bố cùng ngày tại Hà Nội.

Theo Giám đốc quốc gia ADB Ayumi Konishi, kết quả này dựa trên tình hình phát triển kinh tế khả quan của Việt Nam gần đây nhờ “những phản ứng chính sách nhanh chóng và mạnh mẽ của Chính phủ nhằm hạn chế tới mức thấp nhất các tác động tiêu cực của suy giảm kinh tế toàn cầu đối với Việt Nam.”

Ông Konishi cho rằng “Việt Nam đã tự chèo lái thoát ra khỏi cơn bão khủng hoảng tài chính toàn cầu với tác động tiêu cực được hạn chế tối đa đối với nền kinh tế”.

Các chính sách nới lỏng tiền tệ và mở rộng tài khóa của chính phủ đã phát huy tác dụng tốt, thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư tài chính trong nước tăng lên, phần nào bù đắp cho mức sụt giảm đầu tư tài chính nước ngoài.

Dự đoán tăng trưởng GDP 4,7%, một mức cao so với mức 0,1% của toàn khu vực Đông Nam Á, còn căn cứ vào sản lượng dầu và xuất khẩu thực của Việt Nam. Sau nhiều năm suy giảm, trong 6 tháng đầu năm sản lượng dầu thô của Việt Nam đã tăng 17,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhập khẩu hiện đang giảm nhanh hơn xuất khẩu, vì vậy xuất khẩu ròng đã đóng góp cho sự tăng trưởng GDP. Mặc dù xuất khẩu hải sản, cà phê, dầu thô và các sản phẩm làm từ gỗ giảm hơn 10% do nhu cầu bên ngoài giảm sút, nhưng bù lại tái xuất khẩu vàng (chiếm khoảng 9% tổng xuất khẩu) và xuất khẩu gạo lại tăng.

Nền kinh tế của Việt Nam, theo nhận định của ADB, đã thoát điểm đáy trong đầu năm 2009, với tăng tưởng GDP quý II dự kiến là 4,5%, tăng so với 3,1% trong quý I. Tăng trưởng trong nửa cuối năm dự kiến tăng lên tới 5,4%.

Chuyên gia kinh tế của ADB Bahodir Ganiev khuyến nghị bên cạnh những biện pháp kích cầu, chính phủ nên “tăng cường nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng từ khía cạnh cung và điều này bao gồm thúc đẩy cải cách kinh tế, cải thiện hiệu quả của nền kinh tế, môi trường kinh doanh, giải quyết các nút thắt về hạ tầng và tăng nguồn cung lao động lành nghề.”

Các chuyên gia kinh tế ADB cũng cảnh báo mặc dù nền kinh tế thế giới đã có những dấu hiệu phục hồi nhưng cùng với nó là những quan ngại đang dần gia tăng về sự trở lại của lạm phát. Đây cũng là một nguy cơ đối với Việt Nam do chịu ảnh hưởng từ giá tiêu dùng thế giới tăng cao nhanh hơn mức phục hồi của kinh tế toàn cầu và sự tăng nhanh của cung tiền.

“Chúng tôi đánh giá cao việc các cơ quan chức năng về tiền tệ đã bắt đầu các biện pháp để giữ lạm phát trong tầm kiểm soát và giảm những nguy cơ về phá giá. Chúng tôi hiểu rằng Chính phủ thấy rõ những nguy cơ đang gia tăng”, ông Konishi nhấn mạnh.

Ngân hàng Nhà nước đã bắt đầu thắt chặt các chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát và giảm áp lực phá giá đồng nội tệ. Ngân hàng Nhà nước cũng đã cam kết hạn chế tăng trưởng tính dụng của hệ thống ngân hàng và khả năng thanh khoản xuống còn 30% và yêu cầu toàn bộ các ngân hàng thương mại siết chặt tín dụng tiêu dùng, tín dụng cho bất động sản và chúng khoán.

Báo cáo Cập nhật ADO dự đoán các quốc gia châu Á đang phát triển sẽ tăng trưởng 3,9% trong khi khu vực Nam Á dự kiến đạt mức tăng trưởng cao và đồng đều nhất ở mức 5,6% và Đông Á là 4,4%./.

Hồng Nhung (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục