Sắp xử vụ tiêu cực trong điều hành Đề án 112

Phiên tòa xét xử vụ tiêu cực trong điều hành Đề án 112 liên quan đến nhiều cán bộ nhà nước sẽ  được mở vào cuối tháng 10 tới.
Ngày 3/8, Tòa án nhân dân thành phố đã tiếp nhận, thụ lý hồ sơ vụ tiêu cực trong điều hành Đề án 112 liên quan đến ông Vũ Đình Thuần (nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Trưởng ban điều hành Đề án) cùng nhiều giám đốc và cán bộ nhà nước khác.

Dự kiến, phiên tòa xét xử sẽ được mở vào cuối tháng 10 tới, do thẩm phán Nguyễn Hữu Chính (Chánh Tòa hình sự, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội) làm chủ tọa.

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cáo buộc 23 bị can trong vụ án này đã gây thất thoát hơn 4,6 tỷ đồng của Nhà nước.

Trong đó, 20 bị cáo bị truy tố về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" (theo quy định tại Điều 281-Bộ luật Hình sự), ngoài Vũ Đình Thuần còn có Lương Cao Sơn (Thư ký ban điều hành), Nguyễn Cát Hồ (tổ trưởng tổ đào tạo), Nguyễn Thúy Hà (nguyên Tổng Giám đốc ISA), Nguyễn Đức Giao (nguyên Giám đốc Nhà Xuất bản Tư pháp) và những bị cáo khác.

Ngoài ra, 2 em trai của Lương Cao Sơn là Lương Cao Phi, Lương Cao Phong cùng Công Tuấn Hải (cán bộ Nhà xuất bản Bản đồ) bị truy tố về tội "lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi" (theo quy định tại Điều 291-Bộ luật Hình sự). Ba bị can này bị xác định đã "sử dụng" vị thế của ông Sơn để hưởng lợi tại một số hợp đồng ký kết giữa doanh nghiệp và Ban quản lý đề án.

Trong số 23 bị can, 21 người được tại ngoại. Riêng ông Vũ Đình Thuần cùng Lương Cao Sơn (là người trợ giúp đắc lực cho ông Thuần) vẫn bị tạm giam.

Theo cáo trạng, khi triển khai đề án 112, từ năm 2003-2006, theo đề xuất của cấp dưới là Lương Cao Sơn và Nguyễn Cát Hồ, ông Thuần đã ký gần 130 hợp đồng với nhiều công ty trong việc mua sắm bản quyền phần mềm; ký hợp đồng in giáo trình tài liệu, hợp đồng đào tạo...

Tuy nhiên, việc thực hiện đã vi phạm nghiêm trọng quy chế đấu thầu khi không lập kế hoạch hay chia nhỏ dự án để tránh đấu thầu. Đơn cử như việc thực hiện các hợp đồng mua sắm bản quyền phần mềm với Công ty Công nghệ tin học ISA, ông Thuần đã bỏ qua các quy định về đấu thầu. Để được "ưu ái" này, bà Nguyễn Thúy Hà khai đưa trực tiếp tổng cộng 510 triệu đồng cho ông Thuần và Sơn. Trong đó Sơn hưởng 410 triệu đồng, ông Thuần 100 triệu đồng.

Ông Sơn cũng thừa nhận khi doanh nghiệp trúng thầu thì việc đưa tiền cho Ban quản lý dự án đã trở thành "thông lệ chung" tại đây. Bản thân ông Sơn đã nhận hàng trăm triệu đồng của bà Hà, và đã đưa cho ông Thuần 200 triệu đồng.

Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã xác định, vì động cơ vụ lợi, 23 bị can trên đã cấu kết thực hiện hành vi vi phạm, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 4,6 tỷ đồng. Cụ thể, khi thực hiện 28 hợp đồng in giáo trình với Nhà xuất bản Tư pháp, các ông Thuần, Sơn cùng Hồ đã cố ý làm trái, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 1,2 tỷ đồng. Tương tự, tại nhiều hợp đồng in sách với Tổng công ty Sách Việt Nam, các bị can tiếp tục gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng...

Trong vụ án này, bị can Thuần được xác định giữ vai trò chính, với số tiền hưởng lợi bất chính là 275 triệu đồng; còn bị can Sơn là chủ mưu, khởi xướng hưởng lợi gần 750 triệu đồng. Riêng ông Hồ không đủ căn cứ có nhận tiền "lót tay", song vì động cơ vụ lợi đã cố ý làm trái công vụ. Hành vi của 3 ông Thuần, Sơn, Hồ đủ cơ sở cấu thành tội "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ"./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục