Đại dương cũng được bao phủ bởi "lớp da"

Trên bề mặt đại dương được phủ một tầng thạch mỏng giống như "lớp da", qua đó biển cả có thể "hít thở", hấp thu và thải ra các chất độc hại.
Nhờ công nghệ cao, các nhà khoa học Canada đã có những phát hiện mới mẻ và thú vị về bề mặt đại dương.

Theo đó biển cả được phủ một tầng thạch mỏng, giống như "lớp da" của đại dương, nơi độ tích tụ các chất cao hơn so với tầng nước và qua "lớp da" này, đại dương hít thở, hấp thu và tiết khí.

Bề mặt đại dương từ lâu đã thu hút sự quan đặc biệt của các nhà nghiên cứu khoa học. Đó là một hệ môi sinh vô cùng đặc biệt, chỉ dày vỏn vẹn vài micromet và là nơi sinh sống của những vi trùng và rong tảo nhỏ bé.

Chính những cư dân của hệ sinh thái này đã tạo nên vi tầng, đôi khi được người ta gọi là bề mặt phân cách giữa nước và thế giới bên ngoài.

Hiện các khoa học Viện Đại dương học thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga cũng đang nghiên cứu vi tầng bề mặt đại dương.

Ông Mikhail Flint Phó Giám đốc Viện Đại dương học thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, cho biết "lớp da" đại dương cho phép hành tinh chúng ta gột rửa.

Chẳng hạn, chính vi tầng đại dương này có thể hấp thụ các chất trừ sâu từ bầu khí quyển, nhưng đồng thời, theo sự thay đổi độ ẩm không khí và luồng gió, "da" đại dương có khả năng thải ra những chất độc hại tích tụ.

Vì vậy, các nghiên cứu đang được tiến hành sẽ tạo điều kiện nắm bắt những khu vực thường diễn ra hiện tượng này và những vị trí đòi hỏi được bảo vệ môi sinh đặc biệt./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục