Con đường mới giúp người dân xóa đói giảm nghèo

Từ khi có con đường mới chạy qua, bộ mặt của xã miền núi Trung Sơn dần thay đổi hàng ngày. Bà con bảo, đây là đường của lòng dân...
Trời mưa mỗi lúc một nặng hạt. Con đường vắt qua lưng chừng núi xã vùng cao Trung Sơn (Yên Lập, Phú Thọ) vừa hiện ra trước mắt mấy người khách miền xuôi bỗng chốc lại ẩn mình trong cơn mưa rừng. Lặng thinh nhìn triền núi phía xa, anh Đinh Văn Đóa, vị Phó Chủ tịch trẻ của xã Trung Sơn cứ bồi hồi mãi không thôi. Có nằm mơ, anh cũng chẳng thể tin, xã nghèo Trung Sơn của mình có ngày lại đẹp đến thế. “Ngày trước đi qua đây phải mướt mồ hôi vác xe. Đi từ nhà ra huyện có chục cây mà mất cả ngày trời. Nhưng bây giờ, con đường mới vào xã sẽ thay đổi tất cả, dần giúp người dân xóa đói, giảm nghèo,” anh Đóa bắt đầu câu chuyện… Đoạn trường… vác xe Anh Đóa bảo, những ai từng lên Trung Sơn cách đây ít lâu chắc không khỏi rùng mình vì độ khốc liệt của cung đường này. Cả đoạn đường hơn chục cây số bị mưa rừng gặm nham nhở đến thảm hại. Lúc ấy, đất đá trơn tuột ùn ùn kéo nhau đổ ụp xuống triền núi. Thế nên, đoạn đường vốn đã lem luốc lại còn thêm phần méo mó những ngày mưa gió ấy. Và, cũng chẳng hiểu từ bao giờ, cung đường ấy đã trở thành nỗi kinh hoàng của bà con xã Trung Sơn. Người ta phải học cách “sống chung với lũ.” Xe đạp, ngựa thồ trở thành phương tiện hữu dụng nhất. “Ngày ấy, ai muốn ra huyện chỉ có nước vừa đạp xe vừa… vác. Xe máy hay ô tô nào liều mình vào cung đường này, nhất là ngày mưa thì chỉ có nước chết dí một chỗ,” anh Đóa nhớ lại. Nhưng, khổ nhất phải kể tới những bà con ở khu vực sâu trong xã. Những nơi này, địa hình dốc, lũ về một đợt là ngoạm phăng cả chục mét đường. Bà con phải tự động viên nhau sửa lại đường để có chỗ dắt xe qua lại. Nhưng, đấy chỉ là đường để dắt xe ra khỏi nhà được một quãng. Vì cả đoạn đường qua xã, còn vô khối nơi mà bà con phải vác xe lên vai như thế. Đi lại khổ sở đã đành, hàng ngàn hộ nghèo xã Trung Sơn đã bao năm phải còn chịu đủ cảnh dở khóc dở cười chỉ vì thiếu đường. Anh Hà Minh Lực, dân tộc Mường chẳng thể quên những ngày gùi măng cuốc bộ cả ngày trời ra phố huyện. Bởi, chẳng có gã lái buôn nào dám liều lĩnh vượt đoạn đường khổ đau lên Trung Sơn gom hàng nông sản mà anh làm ra đâu. Nếu có, thì giá cả cũng bị ép ở mức... vừa bán vừa cho. Cực chẳng đã, bà con bảo đành tự mang hàng xuống huyện bán cho được giá. Cả đi cả về cộng với thời gian đem chào hàng tới cánh lái thương ở huyện cũng khiến bà con mất vài ngày. “Vất vả một tí nhưng còn có ít tiền mang về, còn hơn không,” anh Lực tâm sự. Khó khăn chồng khó khăn thế, vậy nên cuối năm 2008, thông tin về con đường mới nối Trung Sơn với Xuân An sẽ được xây dựng bằng vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á làm hàng ngàn con người nơi miền quê nghèo vui như hội. Người ta bắt đầu nói với nhau về con đường thênh thang mà mọi người vẫn “thèm” từ lâu lắm... Đường của lòng dân Gần hai năm kể từ ngày ấy, niềm mơ ước của bà con xã Trung Sơn đã thành hiện thực. Đứng giữa con đường lộng gió, anh Đồng Xuân Huy, Giám đốc Ban quản lý trung ương Dự án khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) vẫn  nhớ cái ngày đầu đi thực địa. Chiếc xe chuyên trèo đèo lội suối của đoàn công tác đã suýt phải chào thua với cung đường gần 15km khắc nghiệt để vào xã Trung Sơn. Còn bây giờ, chỉ nửa tiếng chạy xe, người ta đã dễ dàng vào đến tận trung tâm xã. “Dự án đã hoàn thành đúng tiến độ nên phía nhà đầu tư - Ngân hàng Phát triển châu Á - rất yên tâm rót vốn. Bên cạnh sự nỗ lực của anh em công nhân, thì một trong những lý do dẫn đến thành công này là bà con ủng hộ hết mình,” anh Huy nói. Nói về sự nhiệt tình ấy, có lẽ không ai có nhiều cảm xúc như anh Nguyễn Thế Sáng, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Quảng Tây (đơn vị thi công). Anh Sáng vẫn nhớ ngày đầu tiên nhận gói thầu này, nhiều bà con trong xã đã sợ Công ty phải “bỏ của chạy lấy người” vì sự khắc nghiệt của cung đường. Ở nơi núi rừng xa xôi của đất Phú Thọ ấy, hễ mưa vài ngày là cả công trình phải nghỉ cả tháng vì nước ngập, vì đường lở. Xe tải muốn vào xã cũng đành lắc đầu, chôn chân ở ngoài huyện. Thế là, cả đội vừa làm vừa ngó trời đất. Cứ hễ nắng lên là mọi người dồn tất cả lực lượng, mặc kệ thời gian, làm đêm làm ngày. “May mà có bà con tạo điều kiện hết mực, từ việc tự nguyện hiến đất cho đường, đến việc răm rắp nghe lời cán bộ, đảm bảo an toàn cho công trình,” anh Sáng kể. Đổi lại những ngày nắng mưa ấy, con đường đẹp nhất Trung Sơn đã hoàn thành ngày 26/2/2011. Và kể từ đó đến nay, đã có nhiều những thay đổi trên vùng quê khốn khó. Anh Vì Văn Thến, người dân làng Cả xã Trung Sơn, vẫn lâng lâng cảm giác được cánh lái buôn tìm đến tận nhà thu mua quế, măng. Giá cả thì vẫn thế, nhưng bây giờ, cả nhà Thến chẳng phải lo việc mất vài ngày đi tìm cánh thương lái để rao bán hàng. “Cả nhà mình thích lắm, cả bà con trong làng nữa, mọi người đều nhớ ơn cán bộ dưới xuôi lắm,” anh Thến nói. Còn Phó Chủ tịch xã Đinh Văn Đóa thì cười hiền bảo, đường trục chính đến xã đã xong. Cái lợi là rất rõ ràng và người dân vô cùng hoan hỉ. Trong xã hiện còn hơn 30km đường liên thôn vẫn ở tình trạng đường mòn, dốc. Trung Sơn lại có đến 70% hộ dân thuộc diện nghèo nên rất khó để huy động bà con góp của làm đường. Bởi vậy, anh chỉ mong nhà nước tiếp tục giúp dân làm những con đường mới, có thêm những dự án hiệu quả để cuộc sống của bà con nơi đây bớt cực. Nông sản làm ra được tiêu thụ kịp thời, giúp xóa đói, giảm nghèo./.
Tuyến đường Xuân An – Trung Sơn (huyện Yên Lập, Phú Thọ) là một trong số 70 tiểu dự án thuộc Dự án Khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai năm 2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Tổng mức đầu tư cho Dự án này là 94,96 triệu USD, trong đó nguồn vốn vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là 80,36 triệu USD.

Dự án Khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai triển khai tại 10 tỉnh bị ảnh hưởng bão, lũ năm 2005 gồm: Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Phú Yên. Dự án được thiết kế gồm sửa chữa, nâng cấp công trình giao thông, thủy lợi, công trình chống lũ và công trình công cộng.

Riêng tuyến đường Xuân An – Trung Sơn được đầu tư khoảng 40 tỷ đồng. Trong đó, ngoài việc làm đường, đơn vị thi công còn tiến hành lắp hơn 8km tôn hộ lan bên phía taluy âm, nhằm giúp người dân giảm thiệt hại khi xảy ra tai nạn giao thông.
Xuân Trung (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục