TP Hồ Chí Minh "chóng mặt" với nhịp điệu giá tăng

CPI của TP.HCM tháng 11 đã tăng gần 6% so với tháng 10. Người tiêu dùng lo lắng, liệu mùa mua sắm nhộn nhịp nhất trong năm sắp đến, giá có tiếp tục tăng?
Sau các cơn “địa chấn” giá cả nhảy vọt của vàng, ngoại tệ... những ngày này thị trường Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục “chóng mặt” với mặt bằng tăng giá của nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.

Thống kê mới nhất cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 đã tăng gần 6% so với tháng 10. Người tiêu dùng đang lo lắng, liệu mùa mua sắm nhộn nhịp nhất trong năm sắp đến, giá có tiếp tục tăng?

Lương thực, thực phẩm tăng mạnh...


Tại các siêu thị, chợ đầu mối trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, nhóm hàng tăng mạnh nhất là lương thực và thực phẩm. Rất nhiều mặt hàng thực phẩm bán lẻ đã bị đẩy giá lên từ 5-25%, trong đó tăng mạnh nhất là giá các loại rau củ, thủy hải sản.

Các loại cá biển như cá thu, cá chim, mực... tăng giá từ 7.000-15.000 đồng/kg. Đặc biệt, các loại rau củ quả thường dùng trong bữa cơm gia đình như hoa thiên lý, bông cải Đà Lạt, cải xanh các loại... cũng tăng từ 5.000-10.000 đồng/kg so với cách đây hơn 1 tháng.

Giá các loại gạo ngon như Nàng thơm chợ Đào, Thơm Thái... cũng tăng 1.500-3.000 đồng/kg.

Riêng mặt hàng đường ăn, dù nguồn cung đã dồi dào nhưng giá vẫn ở mức cao từ 15.000-17.000 đồng/kg.

“Liên tục trong các tuần qua thị trường hàng hóa bị tác động bởi tỉ giá USD và xăng dầu liên tục tăng. Riêng giá gạo tăng là do xuất khẩu gạo của Việt Nam đang có nhiều đơn hàng”, ông Chu Xuân Phương, Phó trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Chi cục Quản lý thị trường lý giải.

“Cơn bão” tăng giá cũng đang làm chao đảo mặt bằng giá tại các siêu thị. Nhiều siêu thị cho biết, dù đã chuẩn bị sẵn sàng hàng hóa, kinh phí với nỗ lực bình ổn 6 nhóm hàng thiết yếu bao gồm: gạo nếp, dầu ăn, thịt gia súc, gia cầm, rau củ quả, trái cây đặc biệt vào dịp Tết, tuy nhiên, do biến động của tỷ giá USD, giá đường nên một số mặt hàng thực phẩm đã bắt đầu rục rịch tăng 5-15%.

Tại Citimart, các nhà cung cấp đã đề xuất tăng giá bán ở hầu hết mặt hàng, mức cao nhất là 5-10%. Theo nhiều chuyên gia, dự kiến ngay trong tháng 12 sẽ có khoảng 500 mặt hàng tăng giá, trong đó nhóm hàng chịu nhiều tác động nhất vẫn là những mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm.

Thị trường Tết, giá sẽ ít biến động?

Với quyết tâm bình ổn giá các mặt hàng nhu yếu phẩm, đặc biệt các ngày Tết, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định trích nguồn kinh phí hơn 422 tỷ đồng giúp 13 doanh nghiệp vay không lãi suất, không thế chấp chuẩn bị nguồn hàng điều tiết thị trường.

Ngoài 7 mặt hàng thiết yếu, năm nay thành phố đã mở rộng thêm nhóm hàng rau củ, quả. Riêng mặt hàng đường và dầu ăn, lượng dự trữ của các doanh nghiệp đã chiếm đến 50% so với nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết.

Về mặt hàng gạo, thành phố cũng đã chủ động giảm lượng dự trữ gạo thường và tăng lượng gạo thơm, nếp... Bà Quách Tố Dung, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, lượng hàng hóa thực phẩm sẽ tăng từ 20-40% so với nhu cầu tiêu dùng bình thường của người dân thành phố.

Riêng địa điểm bán hàng Tết năm nay sẽ tăng gấp 3 lần so với năm trước. Với khoảng 1.508 điểm bán hàng, trong đó đặc biệt chú trọng phân bố ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, khu chế xuất... sẽ giúp người dân nơi đây mua đúng hàng, đúng giá.

“Ngoài các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, các doanh nghiệp đã cam kết và chúng tôi sẽ tăng cường công tác kiểm tra giám sát đảm bảo giá bán của hàng hóa thiết yếu phải thấp hơn giá sản phẩm cùng loại trên thị trường cùng thời điểm là 10%”, bà Dung khẳng định.

Trong một động thái tích cực khác, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ thị tăng cường thực hiện một loạt những giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bình ổn thị trường và phục vụ Tết Nguyên đán năm 2010.

Các bộ, ngành và địa phương sẽ rà soát, đánh giá kết quả việc chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế xã hội thuộc phạm vi quản lý, kịp thời áp dụng các biện pháp cần thiết để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp./.

(Báo Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục