Ý thức giám thị, thí sinh được nâng lên rõ rệt

Kết thúc 2 đợt thi tuyển sinh đại học, cả nước có hơn 1.261.940 thí sinh tới dự thi, đạt hơn 70% so với số hồ sơ đăng ký dự thi.
Chiều 10/7, theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2009, kết thúc 2 đợt thi tuyển sinh đại học, cả nước có hơn 1.261.940 thí sinh tới dự thi, đạt hơn 70% so với số hồ sơ đăng ký dự thi (tăng 0,45% so với năm ngoái).

Kết thúc cả hai kỳ thi (đợt 1 với 2 khối A, V được tổ chức trong 2 ngày 4 và 5/7; đợt 2 với các khối B, C, D và năng khiếu, tổ chức từ 9 đến 10/7) đã có 275 thí sinh và 16 giám thị bị xử lý kỷ luật,  giảm gần 50% so với năm ngoái. Đặc biệt, trong 2 đợt thi của kỳ thi tuyển sinh đại học đã không phát hiện trường hợp thi hộ nào (năm 2008 phát hiện 1 trường hợp thi hộ). Đối với các thí sinh thiếu hồ sơ làm thủ tục thi đã được thi sau khi làm cam kết, các nhà trường sẽ thực hiện hậu kiểm chặt chẽ ngay sau khi kết thúc kỳ thi.

Năm nay, tổng số hồ sơ đăng ký dự thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2009 là 2.125.975, giảm 3% so với năm ngoái; trong đó có gần 1.565.290 hồ sơ đăng ký thi đại học và gần 560.690 hồ sơ thi cao đẳng. Cả hai đợt thi đại học năm nay có 191 lượt trường tổ chức thi (tăng 10 trường so với năm ngoái) với gần 1.980 điểm thi và gần 49.010 phòng thi.

Trong cả 2 đợt thi, Ban chỉ tạo tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập 4 đoàn kiểm tra đột xuất tại các hội đồng tuyển sinh trên địa bàn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, còn có 10 đoàn thanh tra lưu động; cán bộ giám sát 3 cụm thi liên trường; cán bộ giám sát tại chỗ các trường có tổ chức thi trên toàn quốc...

Qua thanh tra đã phát hiện và chấn chỉnh kịp thời các sai sót của một số hội đồng tuyển sinh như cán bộ coi thi ký giấy thi, giấy nháp chưa đúng quy định, cho thí sinh làm bài sớm hoặc muộn hơn thời gian quy định... Kỳ thi 2009 không chỉ thí sinh ít vi phạm mà số giám thị vi phạm quy chế cũng giảm đáng kể so với năm 2008, đặc biệt là trong đợt thi thứ 2. Nguyên nhân là do công tác chuẩn bị được triển khai sớm, cán bộ tham gia công tác tuyển sinh được tập huấn kỹ, nhất là cán bộ coi thi. Nhiều trường cũng hạn chế sử dụng giám thị 2 là sinh viên, ý thức của thí sinh cũng được nâng lên giảm hẳn tình trạng “phao” thả khắp nơi sau giờ thi kết thúc...

Dư luận đánh giá đề thi không mang tính đánh đố học sinh, vừa sức nhưng vẫn có khả năng phân loại tốt. Tuy nhiên, dư luận vẫn băn khoăn đáp án chưa đủ độ “mở“ như đề thi nên các thí sinh dễ có nguy cơ bị chấm “chặt” như kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vừa qua.

Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Trần Văn Nghĩa cho biết trong kỳ thi tốt nghiệp, các câu hỏi có dấu hiệu chấm “chặt” không phải những câu nghị luận xã hội, đồng thời biểu điểm năm nay được chấm lẻ đến 0,25 nên nhiều giáo viên chấm thi có thể chưa quen. Bộ sẽ tăng cường hậu kiểm và sau khi công bố điểm thí sinh vẫn có thể yêu cầu chấm phúc khảo vì vậy thí sinh hoàn toàn yên tâm về sự công bằng của kỳ thi.

Về sự cố tại cơ sở in sao đề thi của trường đại học Quy Nhơn đã in sai 1 câu của đề thi môn Vật lý so với đề thi của Bộ trong đợt thi đại học khối A, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết các bài thi tại Hội đồng thi này vẫn được chuyển tới điểm chấm tập trung nhưng sẽ tổ chức chấm riêng theo biểu điểm khác để giảm thiểu thấp nhất thiệt thòi cho thí sinh.

Theo kiểm tra sơ bộ, đề thi gốc do Bộ chuyển xuống không có sai sót, nguyên nhân bước đầu ghi nhận do sự thiếu tương tác giữa máy in và máy tính của địa phương và Ban đề thi của cụm thi Quy Nhơn chưa làm hết trách nhiệm, không đối chiếu, kiểm tra với đề thi gốc. Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Hội đồng thi Quy Nhơn làm rõ nguyên nhân và sẽ xử lý kiểm điểm trách nhiệm đối với Ban đề thi của Quy Nhơn.

Về việc hạn chế hồ sơ "ảo", Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Trần Thị Hà, Phó Ban Chỉ đạo khẳng định để hạn chế hồ sơ "ảo", cách duy nhất là yêu cầu thí sinh chỉ nộp 1 bộ hồ sơ. Như vậy, các trường sẽ không phải lo "bù lỗ" khi tỷ lệ thí sinh tới thi thấp, tuy nhiên đây sẽ là thiệt thòi cho chính thí sinh khi họ không còn cơ hội lựa chọn ngành học, trường học.

Trong những năm tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn không hạn chế số lượng hồ sơ đăng ký để tránh thiệt thòi cho các thí sinh và giảm bớt gánh nặng kinh phí cho các trường, ngoài việc hỗ trợ kinh phí, Bộ có thể xem xét yêu cầu thí sinh nộp luôn lệ phí đăng ký dự thi và lệ phí thi lúc làm hồ sơ.

Trong đợt 3 - đợt thi cao đẳng được tổ chức từ ngày 15 - 16/7 sắp tới, Thứ trưởng Phạm Vũ Luận yêu cầu các trường cao đẳng làm tốt công tác tổ chức thi. Rút kinh nghiệm từ 2 đợt thi đại học, lỗi vi phạm chủ yếu của thí sinh vẫn là mang điện thoại vào phòng thi. Đồng thời Thứ trưởng chỉ đạo Hội đồng tuyển sinh các trường đại học thực hiện chấm thi đúng quy chế, đúng thời hạn, làm tốt công tác xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển.

Dự kiến, chậm nhất ngày 5/8, các trường sẽ công bố kết quả thi và thí sinh có thể theo dõi trên mạng giáo dục và các phương tiện thông tin đại chúng./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục