Ứng dụng CNTT trong ngành y tế: Mạnh ai nấy làm

Sau gần 20 năm triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, đến nay chỉ có khoảng 20% số bệnh viện triển khai thành công phần mềm quản lý tổng thể (gồm cả phần mềm quản lý bệnh viện và bệnh nhân).

Sau gần 20 năm triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, đến nay chỉ có khoảng 20% số bệnh viện triển khai thành công phần mềm quản lý tổng thể (gồm cả phần mềm quản lý bệnh viện và bệnh nhân).

Việc ứng dụng công nghệ thông tin nhìn chung vẫn đang diễn ra theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, các phần mềm không thể ghép nối với nhau, gây khó khăn trong việc chia sẻ dữ liệu.

70% do lãnh đạo bệnh viện

Ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý sẽ giúp các bệnh viện chống thất thu từ 30 đến 40% tài chính thông qua việc quản lý nhân lực, tài sản, hội chẩn chuyên môn, xét nghiệm, cấp thuốc, theo dõi người bệnh qua mã số. Về phía người bệnh, sẽ tránh được thời gian chờ đợi, đảm bảo việc cấp thuốc được thuận tiện và an toàn. Tuy nhiên sau nhiều năm triển khai, việc ứng dụng công nghệ thông tin tại nhiều bệnh viện chưa đạt hiệu quả như mong đợi.

Tiến sĩ Lý Ngọc Kính, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, khẳng định “Nguyên nhân chủ yếu là một số lãnh đạo bệnh viện chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, hiệu quả của ứng dụng công nghệ thông tin trong nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, thậm chí chưa coi trọng công tác này. Do đó, chưa có đầu tư đúng mức cho lĩnh vực công nghệ thông tin; không có chiến lược, dự án về ứng dụng công nghệ thông tin tại đơn vị; không tuyển dụng đủ cán bộ công nghệ thông tin; đầu tư phần mềm không đồng bộ, manh mún, nhỏ lẻ...”.

Đại diện một công ty cung cấp phần mềm cũng chia sẻ đã từng triển khai một phần mềm quản lý bệnh viện tại 50 bệnh viện nhưng chỉ 10 bệnh viện có khả năng và chỉ 4 bệnh viện triển khai tốt. 70% nguyên nhân dẫn đến hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện chính là vai trò của người lãnh đạo. Khi người lãnh đạo quan tâm việc ứng dụng công nghệ thông tin triển khai rất nhanh và hiệu quả.

Tại bệnh viện Nội tiết Trung ương, mỗi ngày có tới 700 bệnh nhân nhập viện, nên việc đưa công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý bệnh viện được lãnh đạo bệnh viện đặc biệt chú trọng, đề ra chế độ thưởng, phạt cụ thể. Các cán bộ bệnh viện chỉ mất 15 ngày học và sau 1 tháng đã triển khai thành công phần mềm quản lý bệnh viện, trong khi bệnh viện khác triển khai cùng 1 phần mềm mà 4 năm vẫn chưa “thông”.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế còn đòi hỏi sự tham gia tích cực của nhân viên làm công tác quản trị mạng. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ chuyên quản trị mạng công nghệ thông tin trình độ cao trong ngành y tế đang rất hiếm vì thu nhập thấp.

Đến nay, ngành y tế vẫn chưa quy định về cơ cấu tổ chức, chức năng của đơn vị tham gia hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin ngành y tế. Thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn công nghệ thông tin, các bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn và tốn kém trong việc xử trí các sự cố sau khi đại diện các công ty cung cấp phần mềm rút khỏi bệnh viện.

Rắc rối phần mềm

Tại Hưng Yên, hiện nay ngành y tế đã ứng dụng phần mềm Medisoft 2003 do Bộ Y tế cung cấp. Tuy nhiên, phần mềm này vẫn còn hạn chế do chưa hoàn thiện, thiếu một số modul như thuốc, viện phí, quản lý cán bộ khiến các bệnh viện vừa nhập vào máy vừa phải chép tay vào sổ sách.

Thông qua một dự án hợp tác, Sở Y tế Hưng Yên cũng hỗ trợ thí điểm cho bệnh viện đa khoa tỉnh triển khai phần mềm quản lý bệnh viện HMIS. Tuy nhiên, hệ thống báo cáo tổng hợp dữ liệu chưa được hoàn thiện nên chưa cung cấp được tất cả các thông tin liên quan đến toàn bệnh viện. Chưa kết nối trực tiếp được với các máy xét nghiệm, thiếu modul trả kết quả cận lâm sàng. Modul viện phí, dược... chưa phù hợp.

Tại Sở Y tế Cần Thơ, hầu hết các bệnh viện đã sử dụng phần mềm Medisoft 2003 nhưng một số bệnh viện chỉ thực hiện phần quản lý bệnh nhân nội trú và nhập số liệu thống kê báo cáo, không thực hiện phần quản lý bệnh nhân ngoại trú do ưu tiên thực hiện phần mềm khác. Do được cấp, cài đặt miễn phí nên nhiều bệnh viện đang “chuộng” phần mềm phòng khám (như khám, điều trị ngoại trú, kê toa, cấp thuốc) do một công ty dược cung cấp.

Tuy nhiên, phần mềm này lại không kết nối được với phần mềm Medisoft 2003 của Bộ Y tế, gây khó khăn khi thực hiện báo cáo thống kê tình hình khám, điều trị ngoại trú và tình hình bệnh tật. Các phần mềm quản lý chương trình như phòng chống sốt xuất huyết, phòng chống lao, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em đến nay vẫn phải nhập số liệu riêng, không thể lồng ghép với phần mềm quản lý khám và điều trị nội trú khác.

Đây là những lý do vì sao các đơn vị y tế đều có một nguyện vọng mong Bộ Y tế sớm chủ trì xây dựng phần mềm khung cho toàn ngành y tế. Trên cơ sở đó, các bệnh viện sẽ phát triển theo đặc thù của đơn vị nhưng vẫn phù hợp với quy định chung của bộ.
 

Hiện nay có khoảng 80% bệnh viện tuyến trung ương, 60% bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, 30% bệnh viện huyện đã triển khai hoặc đã có dự án ứng dụng công nghệ thông tin, nhưng số bệnh viện triển khai thành công phần mềm quản lý tổng thể bệnh viện chỉ đạt 20%.

 

(Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục