Thặng dư thương mại cao, tăng hy vọng cho Eurozone

Eurozone đang trải qua giai đoạn suy thoái dài, có hy vọng nhìn thấy "ánh sáng cuối đường hầm" khi đạt thặng dư thương mại cao.
Kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đang trải qua giai đoạn suy thoái dài kỷ lục 6 quý, có hy vọng nhìn thấy "ánh sáng cuối đường hầm" khi tiếp tục đạt thặng dư thương mại khá cao.

Theo Cơ quan thống kê Liên minh châu Âu (EU), Eurozone đạt thặng dư thương mại 14,9 tỷ euro (khoảng 20 tỷ USD) trong tháng Tư vừa qua, dù giảm so với mức kỷ lục 22,5 tỷ euro trong tháng Ba vừa qua, song lớn hơn nhiều so với mức thặng dư 3,3 tỷ euro trong tháng 4/2012.

Trong khi đó, EU gồm 27 nước thành viên đạt thặng dư 9,2 tỷ euro trong tháng Tư năm nay, giảm so với 15,9 tỷ euro trong tháng Ba năm nay nhưng cao hơn rất nhiều so với mức thâm hụt 13,4 tỷ euro trong tháng 4/2012.

Số liệu trên là tín hiệu cho thấy Eurozone có thể thoát khỏi suy thoái trong quý 2 năm nay.

Nhà phân tích Howard Archer ở IHS Global Insight cho rằng việc tiếp tục đạt thặng dư thương mại có thể giúp kinh tế Eurozone ngừng suy giảm quý thứ 7 trong quý 2 này. Theo ông, việc tăng trưởng xuất khẩu của khu vực này được giữ vững cho đến nay là đáng mừng trong lúc kinh tế toàn cầu tăng trưởng thấp và không ổn định. Điều Eurozone rất cần lúc này là sự cải thiện của kinh tế thế giới để có thể tăng xuất khẩu và thoát khỏi suy thoái.

Cùng với chi tiêu công, đầu tư và tiêu dùng, thặng dư thương mại là một trong những yếu tố góp phần làm nên tăng trưởng của một nền kinh tế và đạt được thặng dư thương mại là điều vô cùng cần thiết đối với các nền kinh tế trong bối cảnh khủng hoảng. Các nền kinh tế ở Eurozone có nợ công và thâm hụt ngân sách cao đang nỗ lực tiến hành cải cách để có thể kiểm soát tài chính công và nâng cao hiệu quả của nền kinh tế, đặc biệt là tăng cường xuất khẩu.

Đức, nền kinh tế lớn nhất EU, có được thặng dư thương mại lớn và nhờ đó đã góp phần lớn vào thặng dư của cả khu vực. Trong khi Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai trong khu vực, vì thâm hụt thương mại lớn, phải dựa vào tiêu dùng làm động lực chính của nền kinh tế.

[Thâm hụt thương mại của Anh giảm xuống 2,6 tỷ bảng]

Trong quý 1 năm nay, Đức là nước có thặng dư thương mại lớn nhất, với 49,3 tỷ euro; tiếp đến là Hà Lan (15,1 tỷ euro) và Ireland (8,9 tỷ euro). Trong khi đó, Anh là nước có thâm hụt thương mại lớn nhất, với 24,1 tỷ euro; tiếp theo là Pháp (20,1 tỷ euro); Hy Lạp (5,3 tỷ euro) và Tây Ban Nha (4,7 tỷ euro)./.

Lê Minh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục