Liên doanh lữ hành được kinh doanh outbound

Theo đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chính phủ đã cho phép doanh nghiệp du lịch liên doanh thực hiện loại hình outbound.
Việc được phép đưa công dân Việt Nam và người nước ngoài cư trú, làm việc tại Việt Nam đi du lịch nước ngoài (outbound) là tin vui đối với các liên doanh lữ hành đang hoạt động tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh du lịch gặp khó khăn do khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Chính phủ đã chính thức cho phép doanh nghiệp du lịch liên doanh thực hiện loại hình kinh doanh này theo đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thí điểm từ ngày 10/8/2009 đến 31/12/2010, thay vì chỉ là lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp du lịch vốn trong nước như hiện nay.

Trao đổi với phóng viên Vietnam+, ông Vũ Thế Bình, Vụ trưởng Vụ lữ hành (Tổng Cục Du lịch), cho biết các công ty liên doanh có thể bắt đầu tổ chức tour sau khi hoàn tất bổ sung chức năng kinh doanh du lịch nước ngoài và được phép đưa khách đến tất cả các điểm, “miễn là họ có năng lực để tổ chức”.

Nhận định việc suy giảm lượng khách quốc tế là một khó khăn lớn đối với các công ty liên doanh lữ hành vì do họ chỉ kinh doanh một loại hình duy nhất là đưa khách quốc tế vào Việt Nam, Vụ trưởng Vũ Thế Bình cho rằng quy định cho phép các doanh nghiệp này làm dịch vụ outbound sẽ tạo điều kiện để họ khai thác tốt nhất năng lực của mình với thị trường quen thuộc là các đối tác liên doanh.

Hiện ở Việt Nam có 12 doanh nghiệp liên doanh du lịch quốc tế đăng ký hoạt động. Đại diện một trong số này, Giám đốc Công ty liên doanh du lịch APEX Việt Nam Nguyễn Văn Trấn cho biết công ty có kế hoạch tổ chức các chương trình outbound ngay trong năm 2009.

Trước mắt, hướng tới thị trường Nhật Bản, APEX đang xúc tiến các hoạt động quảng bá với du khách Việt, đặc biệt nhắm đến các công ty có vốn đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam vì những doanh nghiệp này thường có nhu cầu đưa nhân viên đi du lịch hoặc tham gia các chương trình giao lưu, huấn luyện tại Nhật Bản.

Liên quan đến các doanh nghiệp lữ hành trong nước - lực lượng đang “độc chiếm” mảng dịch vụ outbound, theo Vụ trưởng Vũ Thế Bình, họ sẽ không ở vào thế cạnh tranh quá gay gắt vì cũng đã có kinh nghiệm hàng chục năm kinh doanh hình thức này, có nhiều thị trường quen thuộc. Hơn nữa, những điểm đến được các công ty liên doanh khai thác thường không phải thế mạnh của doanh nghiệp trong nước.

Bên cạnh quy định này, Chính phủ cũng vừa đồng ý cho phép các khách sạn từ 4 sao trở lên được thực hiện thí điểm mở cửa phục vụ một số dịch vụ giải trí đến 2 giờ sáng, thay vì phải đóng cửa lúc 24 giờ như hiện nay.

Theo thống kê của các doanh nghiệp lữ hành, trong khi lượng khách quốc tế đến Việt Nam đang bị giảm mạnh thì lượng khách nội địa và khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài lại có mức tăng đáng kể.

Đặc biệt, lượng khách nội tăng đột biến trong dịp hè đã khiến nhiều tour du lịch trong nước rơi vào tình trạng “cháy” hàng.

Nhiều chương trình khuyến mại của ngành du lịch tiếp tục được kéo dài, các doanh nghiệp lữ hành đã tranh thủ chiến dịch giảm giá của các hàng hàng không để điều chỉnh giá tour đến mức thấp nhất để hút khách./.

Hương Giang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục