Đòi hỏi của kinh tế Mỹ và Trung Quốc năm 2010

Đòi hỏi hiện nay của Mỹ là ổn định thị trường tài chính và thúc đẩy tiêu dùng, còn Trung Quốc cần thay đổi mô hình tăng trưởng.
Theo nhà kinh tế trưởng David Wyss của hãng xếp hạng tín dụng Standard and Poor's, đòi hỏi cấp bách hiện nay của Mỹ là ổn định thị trường tài chính và thúc đẩy tiêu dùng, trong khi Trung Quốc cần thay đổi mô hình tăng trưởng, từ định hướng xuất khẩu sang định hướng tiêu dùng.

Ông Wyss cho rằng suy thoái kinh tế Mỹ có thể đã chạm đáy trong quý II/2009. Nhờ gói kích thích kinh tế khổng lồ, tỷ lệ thất nghiệp ở nước này được khống chế ở mức 10,2% trong tháng 10/2009 và sau đó giảm xuống 10% trong tháng 11/2009.

Ông Wyss dự đoán tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ sẽ ở mức đỉnh gần 10,5% trong quý II/2010.

Theo ông, Chính phủ Mỹ phải đẩy lùi tình trạng thất nghiệp từ khi điều này tác động lên tiêu dùng, nhân tố đóng góp khoảng 2/3 tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Đối với Trung Quốc, ông Wyss nói trong lúc thặng dư thương mại cao nhưng không ổn định, tăng trưởng kinh tế của nước này cần dựa vào nhu cầu trong nước chứ không phải xuất khẩu.

Trong khi đó, lãi suất thấp và những hỗ trợ tài chính to lớn sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, dự kiến đạt 9% năm 2010. Vai trò của Trung Quốc như một động lực tăng trưởng to lớn, đặc biệt đối với châu Á, càng được khẳng định trong khủng hoảng.

Ông Wyss cho rằng giai đoạn tồi tệ nhất của khủng hoảng đã qua, với mức độ khác nhau ở các nước. Đối với nhiều nước, chính sách kích thích kinh tế đã làm dịu tác động của khủng hoảng.

Theo ông, trong năm 2009, các nền kinh tế thuộc khu vực đồng tiền chung euro, Anh và Nhật Bản sẽ giảm nhẹ hơn so với Mỹ và có thể tăng trưởng dưới mức trung bình trong năm 2010.

Tuy nhiên, ông Wyss nhận định hầu hết các nền kinh tế phát triển đều chậm thoát khỏi khủng hoảng. Khu vực châu Á (trừ Nhật Bản) sẽ trụ vững trước những điều kiện không mấy thuận lợi của toàn cầu. Sự suy giảm trong tiềm năng tăng trưởng sẽ không kéo dài, song đà tăng trưởng sẽ chậm lại trong 5 năm tới.

Trước những thay đổi thực sự đang diễn ra trong kinh tế toàn cầu và thị trường tài chính quốc tế, các nước cần có sự phối hợp hơn nữa khi đưa ra các chính sách của mình./.

Lê Minh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục