Công nghiệp hóa nông nghiệp để phát triển kinh tế

Công nghiệp hóa nông nghiệp, cải thiện đời sống nông dân, đưa nông thôn phát triển là tiền đề quan trọng để tăng trưởng kinh tế.
Phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và cải thiện đời sống nông dân luôn được coi là một chủ trương lâu dài trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XI của Đảng tiếp tục nhấn mạnh chủ trương này như một giải pháp để phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế.

Đề cập đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Vietnam+ bên hành lang kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII đang diễn ra ở Hà Nội, dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã nhấn mạnh đến việc phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, lấy đó làm nền tảng bền vững để phát triển kinh tế.

- Ông có thể phân tích rõ hơn về nhận định này?

Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm: Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã nêu rõ: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước.

Phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân phải phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng lĩnh vực, đồng thời khai thác tốt các điều kiện thuận lợi trong hội nhập kinh tế quốc tế cho phát triển lực lượng sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn.

Bên cạnh đó, theo tôi, cần tăng mạnh đầu tư của Nhà nước và xã hội, ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến cho nông nghiệp, nông thôn, qua đó phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí nông dân.

Phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và cải thiện đời sống nông dân là một chủ trương lâu dài, có tính chất bền vững cho việc phát triển kinh tế xã hội của đất nước chúng ta. Cho nên phải có lộ trình, chu kỳ cụ thể và mang tính dài hơi để thực hiện.

Cái này không phải một năm, hai năm mà có thể làm được mà phải tính đến khoảng 1, 2 nhiệm kỳ thì chúng ta mới có thể cơ bản giải quyết được.

Chính sách hiện tại cũng như cho những năm sau, theo tôi phải dành một số lượng vốn nhất định để phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân là cần thiết, thường xuyên và phải làm tiếp tục ngay từ năm 2011 sắp tới thì trong tương lai, chúng ta mới có một nền nông nghiệp, nông thôn phát triển theo chủ trương Nghị quyết Trung ương 7.

Có ba việc, theo tôi cần phải làm ngay. Một là phải tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng kể cả chế biến, giao thông, thủy lợi... Hai là phải tập trung vào lĩnh vực chế biến, đặc biệt là chế biến nông sản thực phẩm để tạo nên một giá trị gia tăng cao, tạo nên thu nhập và lợi nhuận cao cho nông dân. Thứ ba, rất quan trọng là phải tạo cho người nông dân có một cái nghề để phục vụ lại cho cải thiện kỹ thuật lao động, rồi trang bị nghề quản lý, nghề kinh doanh để người nông dân có khả năng tiếp thu, tiếp cận với thị trường, công nghệ mới và những tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Khi chúng ta đã tạo ra và khai thác được sức mạnh của nông nghiệp, nông dân, nông thôn thì sẽ tạo ra được nguồn lực, sẽ gắn kết chặt chẽ "bốn nhà" gồm nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nước và phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ ở khu vực nông thôn.

Từ sản xuất, chế biến, tạo ra sản phẩm, rồi tạo ra hệ thống lưu thông phân phối thì dứt khoát sẽ tạo ra được công ăn việc làm và nguồn thu nhập cho nông dân, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho họ.

- Năm 2011, Chính phủ dự kiến phát hành khoảng 45.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ để đầu tư dự án, công trình trong danh mục do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Vậy số tiền này có đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư hay không?

Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm: Nếu theo cách thực hiện của chúng ta trong những năm qua thường thường thì số vốn phát hành trái phiếu có khi ta không sử dụng hết hoặc sử dụng nó không hiệu quả, chưa kể đến một số dự án đầu tư còn dàn trải.

Nhưng theo tôi, việc phát hành khoảng 45.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ để đầu tư dự án, công trình trong danh mục do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định là cần thiết cho tốc độ phát triển và cân đối vốn năm 2011.

Điều quan trọng nhất là phải đầu tư sao cho đúng, cho trúng, sử dụng được nhiều lao động và có hiệu quả cao, tạo nên sức mua, tạo nên thu nhập, tạo nên những lợi ích xã hội tốt. Nếu huy động vào mà chưa tung ra hết, hoặc huy động vào để sử dụng vào những mục đích khác, hoặc để thời gian trôi đi lãng phí, đọng vốn lại thì đương nhiên là không hiệu quả.

- Về dự toán ngân sách nhà nước năm 2011 đưa ra trình kỳ họp Quốc hội lần này, theo ông đã sát thực với tình hình thực tế chưa?

Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm: Nói chung là quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2010 và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2011 cũng đã phản ánh một cách rõ hơn tình hình kinh tế của đất nước chúng ta. Đặc biệt là qua kiểm điểm của ngân sách nhà nước năm 2010, chúng ta đã khắc phục được một bước những tồn tại và đã phản ảnh tương đối sát tình hình.

Theo dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2011, một số chỉ tiêu như tổng số thu, chi cân đối ngân sách nhà nước đã bắt đầu thể hiện được mục tiêu khởi đầu của kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế giai đoạn 2011-2015.

Tôi muốn nói đến vấn đề bội chi ngân sách, năm 2011 dự kiến ở mức khoảng 120.600 tỷ đồng , tương đương 5,3% tổng sản phẩm trong nước. Số lượng tuyệt đối thì có thể tăng lên, nhưng mức độ tỷ lệ theo tổng thu thì có xu hướng giảm xuống, đấy là một điều đáng mừng.

- Theo lộ trình tăng lương từ 1/5/2011, điều chỉnh tăng lương tối thiểu từ 730.000 đồng/người/tháng lên mức 830.000 đồng/người/tháng, nhưng nếu như giá cả các mặt hàng tiêu dùng lại tăng theo như thường thấy thì mức thêm 100.000 đồng/tháng như thế này đã ổn chưa, thưa ông?

Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm: Nếu như thực hiện đúng lộ trình tăng lương như hiện nay đối với mức độ lạm phát như hiện nay thì có thể là tốt rồi. Năm nay, chúng ta phấn đầu kiềm chế ở mức từ 7 đến 8%. Nhưng đấy là ta mới tạm tính ở thời điểm hiện nay để đến tháng 5 năm sau chúng ta áp dụng. Còn nếu xét xem nó có hợp lý hay không thì ta còn phải chờ xem đầu năm 2011 mức độ lạm phát nó là bao nhiêu.

Sang năm tôi dự đoán mức độ lạm phát nó cũng chỉ dừng ở mức 7%. Nhưng nếu chúng ta không chỉ đạo tốt mà để nó vọt lên cao nữa thì hợp lý hay không hợp lý nó lại căn cứ vào tình hình thực tế và giải pháp thực hiện của chúng ta.

Xin cảm ơn ông./.

Vũ Anh Minh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục