Chứng khoán châu Á mất điểm 6 ngày liên tiếp

Chỉ số MSCI của chứng khoán khu vực giảm gần 9% trong 2 tuần qua do lo ngại sự phục hồi kinh tế có thể đang mất dần động lực.
Trong phiên giao dịch ngày 27/1, chứng khoán châu Á mất điểm ngày thứ 6 liên tiếp, xuống gần mức thấp trong hai tháng, do lo ngại những nỗ lực của Trung Quốc trong việc hạn chế hoạt động cho vay nhằm tránh sự tăng trưởng quá nóng và bong bóng bất động sản sẽ gây trở ngại cho quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu.

Chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm gần 0,6%, sau khi giảm 2% ngày 26/1, xuống mức thấp nhất trong hai tháng, do Trung Quốc yêu cầu các ngân hàng tăng tỷ lệ dự phòng bắt buộc nhằm hạn chế tăng trưởng tín dụng.

Chỉ số MSCI của chứng khoán khu vực giảm gần 9% trong 2 tuần qua trước lo ngại sự phục hồi của kinh tế toàn cầu có thể đang mất dần động lực.

Chỉ số weighted của Đài Loan giảm 38,78 điểm, hay 0,51%, xuống 7.560,03 điểm.

Chỉ số S&P/ASX200 của Australia giảm 73,3 điểm, hay 1,55%, xuống 4.644,6 điểm.

Chỉ số Nikkei-225 của Nhật Bản giảm 73,2 điểm, hay 0,71%, xuống 10.252,08 điểm.

Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 11,86 điểm, hay 0,7%, xuống 1.625,48 điểm.

Chỉ số Hang Seng của Hongkong giảm 76,26 điểm, hay 0,38%, xuống 20.033.07 điểm.

Các nhà đầu tư lo ngại nhập khẩu của Trung Quốc có thể chậm lại khi các nhà hoạch định chính sách nước này nỗ lực đẩy lùi sự bùng nổ tín dụng. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng những lo ngại như vậy là quá cường điệu.

Giám đốc quản lý kinh tế vĩ mô và tiền tệ của Bluegold Capital Management, Stephen Jen, cho rằng việc Trung Quốc kìm hãm đà tăng trưởng chỉ để kiểm soát lạm phát là điều khó có xảy ra.

Những nhân tố khác tác động đến tâm lý các nhà đầu tư là kế hoạch của Chính phủ Mỹ trong việc điều chỉnh một số quy định đối với các ngân hàng và cuộc họp hai ngày về chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Các nhà đầu tư dự đoán FED sẽ không có những thay đổi lớn trong chính sách ngắn hạn, song các thị trường vẫn chờ đợi những thông tin cho phép phán đoán mức lãi suất thấp cũng như chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ được duy trì trong bao lâu.

Tình hình hiện nay của nền kinh tế lớn nhất thế giới này cũng là điều các nhà đầu tư đang quan tâm.

Hoạt động giao dịch cũng bị ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp và đề nghị của Nhà Trắng về việc đóng cửa một số ngân hàng đầu tư lớn, điều có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của các nhà đầu tư.

Các nhà đầu tư cho rằng sự phục hồi ổn định hơn và mạnh hơn của kinh tế toàn cầu trong năm nay có thể đẩy giá cổ phiếu lên cao. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là các thị trường chứng khoán rất dễ bị tổn thương, đặc biệt là sau khi nhiều chỉ số toàn cầu phục hồi hơn 60% từ các mức thấp của tháng 3/2009./.
Lê Minh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục