Biểu tình rầm rộ ở Bulgaria phản đối tăng giá điện

Ngày 17/2, hàng chục nghìn người đã xuống đường biểu tình tại hơn 20 thành phố ở Bulgaria để phản đối việc giá điện tăng cao.
Ngày 17/2, hàng chục nghìn người đã xuống đường biểu tình tại hơn 20 thành phố ở Bulgaria để phản đối giá điện tăng cao. Đây là ngày biểu tình rầm rộ nhất trong các cuộc biểu tình với mục đích tương tự kéo dài suốt tuần qua.

Hơn 10.000 người biểu tình tuần hành tại thành phố Varna bên bờ sông Danube. Đã xảy ra đụng độ với cảnh sát khi người biểu tình tìm cách kéo đến trụ sở công ty điện lực CEZ ở thủ đô Sofia, lực lượng an ninh phải bắt giữ bốn phần tử quá khích.

Khoảng hơn 2.000 người biểu tình khác phong tỏa tuyến đường quốc lộ gần thành phố Dupnitsa ở miền Nam dẫn tới Hy Lạp, trong khi những người biểu tình ở thủ đô Sofia phong tỏa tuyến giao thông dẫn đến cây cầu Đại bàng (Eagle) nổi tiếng.

Cuộc biểu tình đã làm tê liệt nhiều tuyến đường ở trung tâm thành phố. Người biểu tình đòi chính phủ từ chức và tái quốc hữu hóa các công ty cung ứng điện, hiện do hai công ty Cộng hòa Séc là CEZ và Evergo-Pro và công ty EVN của Áo kiểm soát.

Nhiều người biểu tình đốt hóa đơn thanh toán tiền điện, ném trứng, chai lọ vào trụ sở của các công ty điện lực trên cả nước. Họ đe dọa sẽ tiếp tục biểu tình hàng ngày cho đến khi giá điện thay đổi.

Nhiều người cho biết họ phải trả tiền điện quá cao trong tháng 12 năm ngoái và phàn nàn rất nhiều về hoạt động của các công ty cung ứng điện.

Phản ứng trước cuộc biểu tình mới đây nhất, Bộ trưởng Kinh tế Delyan Dobrev cho biết trong những ngày tới sẽ quyết định có thu hồi giấy phép hoạt động của các công ty cung ứng điện hay không.

Về phần mình, các công ty này cam kết sẽ xem xét mọi đơn từ khiếu nại và bồi thường cho người sử dụng nếu phát hiện sai sót.

Kinh tế Bulgaria đã tương đối ổn định sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua, song mức sống ở nước này vẫn thấp so với các nước thành viên khác trong Liên minh châu Âu (EU), với mức lương trung bình hàng tháng chỉ bằng một phần nhỏ mức lương trung bình theo qui định của EU.

Trong khi đó, giá điện "ngốn" phần lớn lương tháng của người dân, vì thế đã trở thành vấn đề nhạy cảm chính trị ở nước này./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục