Tìm lập trường chung

G-8 và G-5 họp mở rộng để tìm lập trường chung

Hai nhóm G-8 và G-5 đã tổ chức cuộc họp mở rộng nhằm tìm kiếm lập trường chung về chống nghèo đói và biến đổi khí hậu.
Ngày 9/7, tại L' Aquila (Italy), Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G-8) đã bắt đầu cuộc họp với Nhóm các nền kinh tế đang phát triển mạnh nhất thế giới (G-5), gọi tắt là Diễn đàn các nền kinh tế lớn (MEF), nhằm tìm kiếm lập trường chung về chống nghèo đói và biến đổi khí hậu.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh G-5 gây sức ép buộc G-8 nhượng bộ về vấn đề tài trợ chống nghèo đói và biến đổi khí hậu.

Tuyên bố của G-5, gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi và Mexico, được soạn thảo trước cuộc họp, kêu gọi các ngân hàng và thể chế tài chính quốc tế khác sử dụng những nguồn vốn được tăng cường mới đây để giúp đỡ các nước đang phát triển phải chịu tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay.

Các nước đang phát triển phàn nàn rằng họ đang phải gánh chịu những thiệt hại từ một cuộc khủng hoảng không phải do họ gây ra.

Bước đầu, trong dự thảo tuyên bố chung, hai nhóm đã nhất trí chống lại các hình thức bảo hộ, đang được nhiều nước áp dụng để thoát ra khỏi thời kỳ suy thoái. Bên cạnh đó, Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil muốn thảo luận về đồng tiền dự trữ quốc tế mới, thay thế đồng USD.

Trong bối cảnh cả G-8 và G-5 đều hy vọng có thể đạt được sự nhất trí để kết thúc vòng đàm phán Doha về tự do hóa thương mại toàn cầu vào năm 2010, G-5 cam kết sẽ giải quyết mọi vấn đề còn tồn tại trong tiến trình đàm phán, chủ yếu là bất đồng giữa các nước giàu và nước nghèo về trợ giá nông nghiệp.

Tuy nhiên, G-5 yêu cầu G-8 dỡ bỏ mọi trở ngại buôn bán và khôi phục lòng tin đối với các nước nghèo. Nhóm này đòi có tiếng nói trong quá trình hoạch định chính sách quốc tế, vì cho rằng G-5 từng đóng góp tích cực cho việc giải quyết những thách thức toàn cầu.

Về chủ đề biến đổi khí hậu, MEF bám vào mục tiêu đã được G-8 nhất trí trong ngày họp đầu tiên, là hạn chế nhiệt độ trái đất gia tăng ở mức dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền Cách mạng Công nghiệp, nhưng không muốn đưa ra thêm bất kỳ cam kết nào trước khi diễn ra hội nghị mang tính chất quyết định của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu vào tháng 12 tới.

Trước đó, ngày 8/7, G-8 đã cam kết giảm 80% lượng khí dioxit carbon (CO2) vào năm 2050 so với năm 1990. Các nước đang phát triển muốn các nước phát triển trước tiên phải tài trợ giúp họ khắc phục những hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra.

Theo các nhà quan sát, việc G-8 mở rộng Hội nghị thượng đỉnh thường niên năm nay thành MEF cho thấy tổ chức này đã ngầm thừa nhận các vấn đề toàn cầu không thể chỉ do một nhóm những nước giàu giải quyết./.
 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục