EU cam kết có vai trò chính tại hội nghị Copenhagen

EU sẽ tiếp tục đóng vai trò then chốt, mang tính xây dựng và hợp tác tích cực để có thể có một thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu.
Tân Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) Herman Van Rompuy cam kết EU sẽ đóng vai trò chủ chốt tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu từ ngày 7-18/12 ở Copenhagen (Đan Mạch).

Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi ngày 1/12 tại Milan (Italy), ông Rompuy tuyên bố EU sẽ tiếp tục đóng vai trò then chốt, mang tính xây dựng và hợp tác tích cực để có thể dẫn tới một thỏa thuận toàn cầu về chống biến đổi khí hậu tại hội nghị này.

Tuy nhiên, ông cho rằng chỉ hành động của riêng EU sẽ không mang lại hiệu quả, do vậy vẫn cần sự đóng góp của các đối tác khác để hội nghị sắp tới thành công.

Liên quan tới hội nghị Copenhagen, ngày 1/12, bốn nước đang phát triển hàng đầu gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi đã chuyển tới nước chủ nhà Đan Mạch đề xuất chung về vấn đề chống biến đổi khí hậu.

Nhà đàm phán Nam Phi Alf Wills không cho biết chi tiết đề xuất chung của các nước này, mà chỉ cho biết trên bàn thương lượng tại hội nghị sẽ có hai quan điểm trái ngược nhau giữa các nước giàu và đang phát triển.

Tại hội nghị Copenhagen sắp tới, đại diện 192 nước thành viên Liên hợp quốc sẽ thảo luận để tìm một thỏa thuận toàn cầu mới về giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính đang khiến nhiệt độ Trái Đất gia tăng.

Khó khăn chính hiện nay là cách thức phân chia trách nhiệm giữa các nước giàu với nước nghèo về việc giảm khí thải toàn cầu, trong đó các nước đang phát triển cho rằng họ không nên bị buộc phải đưa ra cam kết về những mục tiêu nhất định.

Các nhà đàm phán còn phải tìm cách để thỏa thuận mới có sự tham gia của Mỹ, nước chưa phê chuẩn Nghị định thư Kyoto về chống biến đổi khí hậu hiện nay, và những nền kinh tế lớn đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ.

Trung Quốc và Mỹ hiện là những nước có lượng chất thải lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 40% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu.

Trong thông báo ngày 1/12, nước chủ nhà Đan Mạch cho biết đến nay đã có lãnh đạo của 98 trong số 192 nước thành viên Liên hợp quốc đăng ký dự hội nghị Copenhagen, tăng cơ hội cho khả năng đạt được một thỏa thuận toàn cầu mới về chống biến đổi khí hậu.

Nhiều nhà phân tích nhận định hội nghị sẽ có cơ hội thu hẹp bất đồng giữa nước giàu và nghèo về cách thức chống biến đổi khí hậu khi Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đều tuyên bố sẽ tham dự hội nghị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục