Đòn bẩy giảm "thầy đọc, trò chép"

Ứng dụng mô hình E-learning trong giảng dạy, sinh viên rất có lợi vì học dễ hiểu hơn, giảm bớt tình trạng "thầy đọc, trò chép".
Đào tạo trực tuyến E-learning, học viên ở bất kỳ nơi đâu, chỉ cần một máy tính kết nối Internet là có thể học được những kiến thức cần thiết.

Ở Đại học Thái Nguyên, E-learning mới chỉ mới bắt đầu, nhưng nó sẽ nhanh hơn khi vừa qua, đơn vị này đã bắt tay với VNPT Thái Nguyên và VDC triển khai mô hình này.

Giảm “thầy đọc, trò chép”

Khái niệm đào tạo trực tuyến, lấy học viên làm trung tâm không còn là điều xa lạ ở Việt Nam. Song, hiện không nhiều trường đại học thực hiện điều này.

Là một trong những trường đại học lớn của Việt Nam, Đại học Thái Nguyên đã xác định đây là vấn đề trọng tâm của đào tạo và đã bắt đầu khởi động công việc này từ năm 2008.

Dẫn chúng tôi đi thăm Trung tâm học liệu – một cơ sở rất hiện đại với 400 máy tính, kết nối wifi… phục vụ công tác đào tạo, quản lý về công nghệ thông tin của trường, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Như Hoan (Giám đốc Trung tâm Học liệu) phấn khởi: “Ứng dụng thông tin trong giảng dạy, sinh viên rất có lợi vì học dễ hiểu hơn, giảm bớt tình trạng thầy đọc, trò chép.”

Ông Hoan cho hay, từ năm học 2008-2009, trường đã tiến hành áp dụng một số môn học theo dạng E-learning. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu tiên. Hiện, việc triển khai xây dựng bài giảng điện tử mới được khoảng 100 bài giảng, như giải phẫu học, mô học, bệnh lý học.

Còn Phó giáo sư, Tiến sĩ Ngô Như Khoa, Trưởng ban Công nghệ thông tin (Đại học Thái Nguyên) nói rằng, trường đang phấn đấu đến 2010 sẽ số hóa 1.000 giáo trình. Mỗi giáo trình được số hóa, các giáo viên sẽ nhận được trợ cấp là 5 triệu đồng.

Sau khi được số hóa, các giáo trình này sẽ được đăng tải trên các website, từ đó các giáo viên khác sẽ chỉnh sửa, góp phần làm hoàn thiện bài giảng để có thể truyền tải tới sinh viên một cách gần gũi nhất.

Trên thực tế, E-learning của Đại học Thái Nguyên hiện giờ mới chỉ dừng lại ở dạng trình chiếu là chính. Ông Khoa nói, hướng sắp tới sẽ xây dựng vài phòng mũi nhọn để thu âm, ghi hình những bài giảng…

Khi bắt tay vào làm, việc xây dựng những bài giảng E-learning tỏ ra khá phức tạp. Ông Hoan bảo, tạo ra các bài giảng có tính tương tác giữa người dạy và người học rất khó. Hơn nữa, phải kể đến cơ sở vật chất, năng lực về công nghệ thông tin của nhiều giáo viên còn hạn chế, do đó cần sự hợp tác của các chuyên gia công nghệ.

Có thêm đòn bẩy

Nhiều người tin rằng, ngoài sự quyết tâm của nhà trường, việc phát triển E-learning của Đại học Thái Nguyên sẽ khởi sắc bởi ngày 14/8, đơn vị này đã nhận được sự hợp tác chiến lược của VNPT Thái Nguyên và Trung tâm Điện toán và truyền số liệu (VDC).

Theo đó, VDC sẽ cung cấp miễn phí máy chủ lưu trữ bài giảng trên trung tâm dữ liệu của VDC, bộ công cụ tạo bài giảng điện tử (công cụ mô phỏng phần mềm Imitor và công cụ tạo bài giảng iLCBuilder).

Ngoài ra, VDC cũng tư vấn xây dựng hệ thống hỗ trợ bài giảng trực tuyến theo chuẩn quốc tế về E-learning, hỗ trợ giải pháp kỹ thuật để đảm bảo kết nối giữa hệ thống E-learning trong nội bộ Đại học Thái Nguyên với hệ thống đặt tại VDC…

Về phần mình, Đại học Thái Nguyên sẽ cung cấp nội dung, sử dụng hệ thống công cụ do VDC cung cấp để tạo bài giảng trực tuyến, triển khai đào tạo trực tuyến trong nội bộ trường và hợp tác với VDC thương mại hoá các bài giảng trực tuyến.

Ngoài ra, VNPT Thái Nguyên sẽ cung cấp cho Đại học Thái Nguyên các dịch vụ: Điện thoại di động, điện thoại cố định, Gphone, Fax, Internet ADSL, thuê kênh riêng truyền số liệu… với mức giá ưu đãi cũng như phối hợp xây dựng các quy hoạch, định hướng tổng thể về viễn thông - CNTT phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và sử dụng.

Nói về vấn đề này, Phó giáo sư, Tiến sĩ Ngô Như Khoa, hy vọng sau khi được VDC hỗ trợ tập huấn, cung cấp các công cụ xây dựng bài giảng, các giáo viên của Đại học Thái Nguyên sẽ biết xây dựng những bài giảng điện tử, phục vụ cho công việc giảng dạy còn khá mới mẻ này./.
Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục