Sĩ tử né "lò" luyện thi đại học ở Hà Nội

Còn 3 tuần nữa là bắt đầu kỳ thi đại học, nhưng không khí ở các lò ôn thi Thủ đô khá trầm lắng, trong khi cuộc chạy nước rút trước kỳ thi của thí sinh ở tỉnh có vẻ sôi động hơn rất nhiều.

Còn 3 tuần nữa là bắt đầu kỳ thi đại học, nhưng không khí ở các lò ôn thi Thủ đô khá trầm lắng, trong khi  cuộc chạy nước rút trước kỳ thi của thí sinh ở tỉnh có vẻ sôi động hơn rất nhiều.

“Lò” thủ đô thưa thớt

Dưới cái nắng hun người của những ngày đầu tháng 6, nhiều học sinh phổ thông vẫn lụi cụi đạp xe vào những “lò” luyện thi đại học. 9 giờ sáng ngày 11/6, tại lối cổng phụ trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) - một dãy liên tiếp các trung tâm luyện thi đại học số 15, 16, 17… với các biển quảng cáo đủ kiểu chữ nhìn đến hoa mắt.

Bàn phát tờ rơi của các trung tâm này san sát, chỉ cách nhau chừng vài chục bước chân. Mỗi trung tâm có 2 - 4 người trực ở bàn phát tờ rơi.

Tuy nhiên, thí sinh đi ôn chỉ lưa thưa, nhân viên ngồi thu tiền và phát lịch có vẻ uể oải, không có việc làm bèn quay sang tán gẫu. Một chị trông xe có thâm niên trong ngõ cho biết: “Vắng lắm! Giờ này mọi năm đông hơn nhiều! Có hôm còn tắc đường ấy chứ!”.

Nguyễn Thị Thúy, quê ở Thanh Oai (Hà Nội) đã ra nội thành ôn từ đầu tháng 5 cho biết, lớp ôn của Thúy đến nay vẫn rất vắng. “Phòng học của bọn em phải chứa được cả trăm người nhưng mấy hôm nay, lớp có vẻ đông hơn một chút thì buổi đông nhất cũng chỉ khoảng hơn hai chục người thôi!”.

Chúng tôi đến khu vực trường Đại học Bách Khoa. Một nhân viên phát lịch của trung tâm luyện thi đại học Trí Tuệ (ngõ 30/16 Tạ Quang Bửu) cho biết: “Trung tâm cô toàn là các giảng viên giỏi, uy tín lâu năm của Đại học Bách khoa, Đại học Xây dựng và Đại học Sư phạm chứ không phải là các thầy trẻ hoặc thầy của các trường phổ thông đâu!”.

Đó là lý do khiến trung tâm này thu 20.000 đồng/buổi học trong khi các “lò” khác chỉ tầm 16.000 đồng. Có nhiều lý do khiến quang cảnh những “lò” thủ đô những ngày sát kỳ thi khá trầm, trong đó có lý do về kinh tế.

Tâm sự mà những thí sinh tại cửa lớp luyện thi cấp tốc đã phần nào lý giải thực tế đó. “Hầu hết các bạn lớp em đều chọn ôn thi ở Thái Bình. Các lớp học ở quê chỉ 8.000 đồng/buổi”, Vũ Thị Mới, học sinh trường Trung học Phổ thông Thái Thụy, Thái Bình vừa mới lên Hà Nội ôn thi được 2 hôm kể.

Không chỉ riêng sĩ tử tỉnh lẻ quay lưng với các “lò” ôn ở Thủ đô mà hiện tượng này cũng đang diễn ra ở chính các huyện ngoại thành Hà Nội.

Nguyễn Thị Thúy, học sinh trường Trung học Phổ thông Thanh Oai B cho biết lớp em sĩ số 54 bạn, chỉ khoảng 10 bạn ra các “lò” ở đây (nội thành Hà Nội) ôn. Hầu hết các bạn đều luyện thi ở trường, mỗi buổi học 3 tiếng đồng hồ, chỉ mất 10.000 đồng/buổi.

Thu Hồng, cô bạn đi cùng Thúy đế thêm vào: “Em thấy mình thật may mắn vì có nhà người thân ở gần “lò”, không mất tiền ăn ở. Còn nhiều bạn ở quê, bố mẹ là nông dân thì lên được Hà Nội để ôn không đơn giản chút nào. Học phí 700.000 - 800.000 đồng/khóa học chưa đến 1 tháng. Đó là chưa tính tiền trọ, tiền ăn uống, đi lại…”.

“Lò” tỉnh chật ních

Gần 6 giờ tối ngày 9/6, trời nhập nhoạng. Đường Nguyễn Văn Trỗi ở gần Trường Đại học Vinh (Nghệ An), người chen người. Theo lời cánh xe ôm đứng ở cột đèn giao thông, “giờ này đường đông chủ yếu là nhóm học sinh đi ôn thi: Số thì vừa hết ca, số mới đến chuẩn bị vào ca mới”.

Dọc đường Phạm Kinh Vỹ, phường Bến Thủy, một dãy các bảng biển “Luyện thi uy tín, chất lượng” khiến chúng tôi mất phương hướng.

Tại “lò” số 02, chỉ còn chừng 30 phút nữa là vào đầu ca ôn tiếng Anh. Đi qua khoảng sân chật hẹp đã chật kín xe đạp, chúng tôi thấy ngay hai người đứng thu tiền án ngữ ở hai cửa lớp.

Theo chân các sĩ tử áo trắng đồng phục, chúng tôi nộp 13.000 đồng để vào học. “Có đề chưa? Nếu chưa thì nộp thêm 1.000 đồng/tờ để phôtô”.

Thấy tôi chần chừ, một em gái đứng kề sau bảo: “Hôm trước bạn chưa có đề thì hôm nay phải lấy thì mới học được chứ!”. Nghe lời tư vấn, chúng tôi mua tờ đề, chọn một vị trí gần quạt, ngồi xuống. Ngồi cạnh tôi là Thảo. Khá cởi mở, Thảo kể: “Em thi khoa Ngoại ngữ. Đây là lần thứ 2 thi đại học. Năm ngoái thì không đi ôn ở “lò” nhưng sau 1 năm, kiến thức cũng rơi rụng gần hết, phải đi cho đỡ lo”.

Ngó trước ngoảnh sau thấy người đông chen chúc, Thảo nói: “Cô Hạnh hình như là giáo viên trường Nguyễn Huệ, nghe bảo dạy hay có tiếng nên đông nhưng em phải cố len vào. Ồn quá. Tối rồi mà vẫn nóng đến phát khiếp!”. Thảo vừa nói vừa cầm cuốn vở lên quạt lấy quạt để.

Các sĩ tử kháo nhau rằng đây là một trong những “lò” rộng và khang trang nhất. Bảng từ, bàn ghế gỗ, mấy chục chiếc quạt trần, quạt treo tường quay vù vù. Không gian “lò” này “ngang cơ” với một giảng đường đại học, đủ chỗ học cho không dưới 100 người. Học sinh đa số đi ôn theo nhóm, nhóm ít cũng 3 người.

Buổi học bắt đầu. Mỗi trò cầm một tờ đề trong tay. Cô giáo Hạnh chữa nốt bài cuối của đề số 4 trước khi bắt đầu chữa đề số 5. Cứ thế, trong suốt hai giờ đồng hồ, không nghỉ giải lao, cô chữa xong hết các bài theo thứ tự trong tờ đề phát cho học sinh. Còn khoảng 30 phút nữa tan học, 2 nhân viên đi từng dãy bàn để phát đề số 6 chuẩn bị cho buổi học tiếp theo.

8 rưỡi. Học sinh ùn ùn chen nhau ra khỏi lớp. Một số khó nhọc lôi chiếc xe đạp ra khỏi cái sân chật cứng xe, một số khác ra hẳn cửa đứng chờ người thân đón, số khác lại sà vào các sạp bán sách và tài liệu phôtô ôn thi kiêm phát lịch luyện thi. Phố tấp nập như giờ tan tầm./.

(Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục