Giải quyết thấu đáo vấn đề gây ô nhiễm của Vedan

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên trực tiếp đến Công ty Vedan Việt Nam kiểm tra tình hình khắc phục ô nhiễm.
Ngày 28/1, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên đã trực tiếp đến Công ty cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam (đóng tại huyện Long Thành, Đồng Nai) để kiểm tra tình hình khắc phục vấn đề ô nhiễm môi trường do doanh nghiệp này gây ra.

Nhấn mạnh tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho rằng, quan điểm của bộ là phải giải quyết dứt điểm vấn đề của Vedan. Hiện nay cả xã hội đang quan tâm nhất đó là việc giải quyết bồi thường cho người dân bị thiệt hại do Vedan gây ra.

Bộ trưởng nói, "đánh rắn không thể đánh gãy từng khúc mà phải giải quyết thấu đáo, nếu các biện pháp khắc phục về môi trường của Vedan đã hoàn thành mà vấn đề bồi thường cho người dân chưa được giải quyết, thì câu chuyện của Vedan vẫn chưa thể kết thúc".

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho rằng vấn đề giải quyết thiệt hại cho nông dân do Vedan gây ô nhiễm môi trường gây ra có 3 cách là thỏa thuận, đưa ra trọng tài kinh tế và ra tòa. Quan điểm của ông Nguyên cho rằng, nên giải quyết vấn đề trên theo hình thức thỏa thuận vì sẽ có lợi cho cả phía nông dân và công ty Vedan.

Ông Yang, Tổng Giám đốc Công ty Vedan cho biết, hiện doanh nghiệp đang phối hợp với Viện Tài nguyên môi trường nước, các đơn vị khoa học và 3 địa phương để tiếp tục xác minh những con số cụ thể, để cùng nhau đi đến một kết luận cuối cùng về mức độ và phạm vi thiệt hại mà Vedan gây ra, sau đó sẽ tiến hành các bước bồi thường hay hỗ trợ cho người dân.

Tại cuộc thị sát, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cũng đánh giá thiện chí khắc phục hậu quả về môi trường do công ty này gây ra.

Vedan đã thực hiện tốt quyết định 131 mà bộ này đã ban hành, nghiêm túc thực hiện ngưng xả thải, ngưng sản xuất và xây dựng các công trình xử lý nước thải mới, trong đó, việc Vedan vẫn đảm bảo việc làm và thu nhập cho 2.500 lao động bằng cách bố trí sản xuất và tổ chức đào tạo lại, thực hiện việc thu mua các sản phẩm nông nghiệp cho nông dân theo hợp đồng kinh tế đã được ký kết là vấn đề đáng hoan nghênh.

Báo cáo của Công ty Vedan cũng cho biết, đến thời điểm hiện nay, doanh nghiệp này đã thực hiện nộp trên 127 tỷ đồng tiền truy thu phí bảo vệ môi trường và trên 267 triệu đồng tiền phạt vi phạm hành chính.

Doanh nghiệp đã thực hiện các biện pháp khắc phục vi phạm theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính và kết luận kiểm tra về môi trường của Tổng cục Môi trường đúng tiến độ quy định, với tổng kinh phí đầu tư đến thời điểm hiện nay là trên 33 triệu USD.

Công ty Vedan đã tháo bỏ toàn bộ các tuyến ống ngầm dài trên 2.200m, 4 máy bơm và 3 họng xả chất thải ngầm cắm sâu 10m xuống sông Thị Vải; dừng việc xả nước thải vào hệ thống 21 hồ sinh học và bơm nước thải từ 21 hồ sinh học này vào hệ thống xử lý theo quy định.

Công ty Vedan cũng đã hoàn thiện việc cải tạo nâng cấp 3 hệ thống xử lý nước thải sản xuất hiện có (4.000m3/ngày); xây dựng bổ sung hai hệ thống xử lý nước thải sản xuất mới (5.000m3/ngày) và hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt 300m3/ngày; hoàn thành việc thực tách riêng tuyến thoát nước thải công nghiệp với nước giải nhiệt; lắp đặt 3 hệ thống quan trắc nước thải tự động đảm bảo nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn quy định.

Đối với 4 nhà máy chế biến tinh bột sắn tại Bình Phước, Gia Lai, Hà Tĩnh và Bình Thuận hiện công ty đã xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải biogas, do đó nguồn thải của những nhà máy này đã được đảm bảo./.

Sỹ Tuyên (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục