Tái cơ cấu kinh tế Trung Quốc: Điều phải tới đã tới

Từ quý IV/2011, tăng trưởng GDP của Trung Quốc đã chỉ còn ở mức 8,9% và tiếp tục sụt giảm xuống ngưỡng 8,1% trong quý I/2012, mức thấp nhất trong gần 3 năm và là quý giảm thứ năm liên tiếp. Điều này khiến một số nhà phân tích lo ngại rằng, kinh tế Trung Quốc vẫn chưa chạm đáy, dù khả năng nền kinh tế này “hạ cánh cứng” (tốc độ tăng trưởng giảm mạnh đột ngột khi nền kinh tế chưa kịp thích ứng) là khó xảy ra.

Kinh tế Trung Quốc đang thay đổi và sự thật là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này phải thay đổi. Mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ Trung Quốc hiện nay là chuyển hướng nền kinh tế sang một mô hình tăng trưởng cân bằng và bền vững hơn, khi việc lệ thuộc nhiều vào đầu tư và xuất khẩu đã khiến nước này chịu nhiều sức ép khi lạm phát tăng, trong khi sản xuất sụt giảm vì khủng hoảng kinh tế tại châu Âu.

 

Từ quý IV/2011, tăng trưởng GDP của Trung Quốc đã chỉ còn ở mức 8,9% và tiếp tục sụt giảm xuống ngưỡng 8,1% trong quý I/2012, mức thấp nhất trong gần 3 năm và là quý giảm thứ năm liên tiếp. Điều này khiến một số nhà phân tích lo ngại rằng, kinh tế Trung Quốc vẫn chưa chạm đáy, dù khả năng nền kinh tế này “hạ cánh cứng” (tốc độ tăng trưởng giảm mạnh đột ngột khi nền kinh tế chưa kịp thích ứng) là khó xảy ra.

 

Trên thực tế, việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại đã được dự tính khi Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo hồi tháng 3 vừa qua chính thức thông báo giảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2012 xuống 7,5%, cho thấy quyết tâm của nước này trong việc hướng tới mô hình phát triển bền vững hơn, chú trọng chất lượng tăng trưởng thay vì chạy theo tốc độ tăng GDP.

 

Việc Chính phủ Trung Quốc phải tăng cường đầu tư để đảm bảo cho nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng trong thời gian xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009 đã làm trầm trọng thêm sự mất cân bằng của nền kinh tế. Các nhà cải cách nhận thấy rằng môi trường kinh tế hiện tại có thể là thích hợp hơn để thúc đẩy những biến chuyển về kinh tế chính trị vốn bị trì hoãn, với rất nhiều những biện pháp cải cách mới được đưa ra.

 

Đối với lĩnh vực ngân hàng, mục tiêu cơ bản của những cải cách gần đây là nhằm cải thiện dòng vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trung Quốc cuối tháng 3 vừa qua cũng chấp thuận việc thành lập thị trường điện tử mua bán thẳng nhằm tạo cho các công ty nhỏ một sàn giao dịch nữa để huy động vốn, cũng như cân nhắc tính khả thi của đề án cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

 

Những thay đổi đó diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy Chính phủ Trung Quốc đang hướng tới một thị trường hối đoái theo định hướng thị trường hơn.

 

Ngày 14/4, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tuyên bố từ ngày 16/4/2012, biên độ tỷ giá giữa đồng NDT và đồng USD sẽ được nới rộng từ 0,5% lên 1%, sau lần nới rộng từ 0,3% lên 0,5% hồi tháng 5/2007. Sự điều chỉnh này có thể không đồng nghĩa với việc đồng NDT sẽ mạnh lên một cách nhanh chóng, song báo trước một sự biến động lớn hơn.

 

Đây cũng có thể là bước đi quan trọng khi mà PBoC đang chuẩn bị thiết lập một hệ thống giao dịch cho các nhà đầu tư quốc tế mà trong đó chính phủ sẽ ít can thiệp vào tỷ giá hối đoái hơn.

 

Chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Phát triển châu Á, ông Trang Kiện cho rằng hiện nay xuất siêu thương mại của Trung Quốc ngày càng giảm, thu chi quốc tế đang dần dần tiếp cận mức cân bằng, bắt đầu xuất hiện dòng vốn chảy vào và chảy ra, mang lại sự thuận lợi cho việc nới rộng biên độ tỷ giá hối đoái.

 

Các nhà phân tích chỉ rõ việc mở rộng biên độ tỷ giá giữa đồng NDT và đồng USD là phù hợp với tình hình tài chính và kinh tế trong và ngoài nước hiện nay, có lợi cho việc cải cách thị trường hóa tỷ giá hối đoái và ổn định kinh tế vĩ mô của Trung Quốc.

 

Bên cạnh giải pháp hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại, PBoC cũng sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng và duy trì lượng thanh khoản hợp lý trên thị trường liên ngân hàng để tạo thuận lợi cho sự phát triển kinh tế tương đối nhanh và ổn định.

 

Nhà kinh tế trưởng Liao Qun của Citic Bank International (có trụ sở tại Hong Kong) cho rằng tình hình của nền kinh tế Trung Quốc hiện nay đang cho thấy sự cần thiết của việc hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc và có thể là cả việc hạ lãi suất. Tuy nhiên, do tác động của việc hạ lãi suất sẽ lớn hơn so với việc hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc, việc hạ lãi suất có thể sẽ chỉ được cân nhắc nếu cần thiết.

 

Trong lĩnh vực sản xuất - chế tạo, chỉ số quản lý sức mua (PMI) tháng 4 của Trung Quốc theo số liệu của ngân hàng HSBC công bố ngày 23/4 ở mức 49,1 điểm. Tuy con số này vẫn dưới tiêu chuẩn 50 điểm, nhưng đã tăng so với tháng trước là 48,3 điểm sau 5 tháng giảm liên tiếp.

 

Giám đốc điều hành Quỹ quản lý đầu tư HFT, Chi Lo, dự báo, chỉ số PMI của Trung Quốc sẽ tiếp tục được cải thiện trong những tháng tới và sớm vượt ngưỡng 50 điểm. Ngoài ra, chi tiêu tiêu dùng đã vượt ngưỡng 76% tăng trưởng trong quý I vừa qua, cao hơn nhiều so với mức trung bình những năm qua, trong khi đầu tư tài sản cố định giảm tương ứng xuống 20,9% , còn tăng trưởng doanh số bán lẻ tăng lên 15,2% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Trên cơ sở những điều chỉnh trong lĩnh vực ngân hàng và hoạt động sản xuất đang dần được phục hồi, nhận định chung của các chuyên gia là nhiều khả năng kinh tế Trung Quốc sẽ “hạ cánh mềm” trong năm nay.

 

Chuyên gia kinh tế David Shairp tại JPMorgan Asset Management nhận định: "Đối với nền kinh tế dựa nhiều vào hoạt động xuất khẩu trong ba thập kỷ qua như Trung Quốc, những điều chỉnh vĩ mô là cần thiết. Đã có những tín hiệu cho thấy sự phục hồi nhu cầu, PMI gia tăng, đồng thời nguồn tín dụng ngân hàng đang được cải thiện. Vì vậy, khả năng dễ xảy ra nhất là kinh tế Trung Quốc sẽ hạ cánh mềm, song vẫn còn đó nguy cơ hạ cánh cứng nếu các điều chỉnh chính sách vĩ mô không được thực hiện một cách triệt để và kiên quyết, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn tiềm ẩn nhiều rủi ro như hiện nay"./.

Việt Khoa (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục