Sàng lọc để tìm kiếm những dự án FDI hiệu quả

Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sụt giảm trong 8 tháng qua, tuy nhiên lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, không nên đặt nặng về lượng vốn FDI đăng ký mà chủ yếu sàng lọc để tiếp nhận những dự án FDI có hiệu quả để thúc đẩy giải ngân nguồn vốn sớm. Theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư Nước ngoài, tính đến ngày 20/8, tính chung cả cấp mới và tăng vốn, trong 8 tháng đầu năm 2012, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 8,47 tỷ USD, chỉ bằng 66,1% so với cùng kỳ 2011.
Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sụt giảm trong 8 tháng qua, tuy nhiên lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, không nên đặt nặng về lượng vốn FDI đăng ký mà chủ yếu sàng lọc để tiếp nhận những dự án FDI có hiệu quả để thúc đẩy giải ngân nguồn vốn sớm.

Theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư Nước ngoài, tính đến ngày 20/8, tính chung cả cấp mới và tăng vốn, trong 8 tháng đầu năm 2012, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 8,47 tỷ USD, chỉ bằng 66,1% so với cùng kỳ 2011.

Trong đó đa phần các dự án đăng ký mới vào Việt Nam trong Tám tháng qua là các dự án nhỏ, siêu nhỏ. Có tới 126 dự án có quy mô vốn nhỏ hơn, hoặc bằng 100.000 USD.

Các dự án trên chủ yếu thuộc lĩnh vực dịch vụ tư vấn, kinh doanh thương mại và sản xuất phần mềm. Quy mô nhỏ của các doanh nghiệp đăng ký mới khiến tổng vốn đăng ký mới vào Việt Nam trong tháng Tám rất khiêm tốn, với 449 triệu USD.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu nên Việt Nam cũng bị ảnh hưởng là đương nhiên. Nhưng rõ ràng, sự chậm lại của dòng vốn FDI mới đang ngày càng rõ rệt.

Trong thời gian qua, một số địa phương đã mạnh dạn loại bỏ những dự án đăng ký nhưng chậm giải ngân. Điển hình là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Dù là địa phương luôn thuộc nhóm dẫn đầu trong thu hút FDI nhiều năm qua, nhưng chỉ tiêu đặt ra trong thu hút đầu tư nước ngoài của tỉnh này cho năm nay chỉ là 500 triệu USD - bằng một nửa năm ngoái. Định hướng của tỉnh đặt ra hiện nay là làm sao thúc đẩy việc giải ngân 27 tỷ USD của 298 dự án được cấp phép trong nhiều năm qua, chứ không phải lấy số lượng dự án với số vốn đăng ký để làm mục tiêu như trước nữa.

Điều này lý giải vì sao trong năm qua, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có chủ trương thu hồi đến 24 dự án đầu tư do chậm triển khai hoặc không triển khai.

Hiện nay, không chỉ Bà Rịa - Vũng Tàu mà một số địa phương khác như Quảng Ninh, Bình Định, Hưng Yên, Bắc  Ninh, Đà Nẵng... cũng đang rà soát lại tất cả những dự án đầu tư đã được cấp phép nhưng chậm triển khai, để có phương án hỗ trợ nhà đầu tư sớm thực hiện. Trường hợp nhà đầu tư không có kế hoạch triển khai hoặc không đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án, tỉnh sẽ thu hồi để nhường dự án cho nhà đầu tư khác.

Lãnh đạo một số địa phương cũng cho rằng, ưu tiên hàng đầu của các địa phương hiện nay là dự án công nghệ cao, dự án sử dụng hàm lượng lao động được đào tạo lớn, không đón chào các dự án thâm dụng đất, thâm dụng tài nguyên, thâm dụng lao động giá rẻ…

Đánh giá về thực trạng giảm mạnh đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, ông Đặng Xuân Quang, Cục phó Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: Nguyên nhân khách quan do suy thoái kinh tế toàn cầu và cạnh tranh trong thu hút FDI của các nước trong khu vực. Còn về chủ quan, do khó khăn nội tại của nền kinh tế (cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, công nghiệp hỗ trợ). Đặc biệt, chính sách ưu đãi đầu tư chưa đủ sức hấp dẫn, thủ tục cấp phép còn chậm cũng làm giảm lượng lượng thu hút các dự án mới.

“Mục tiêu hiện nay là thu hút đầu tư có chọn lọc, nâng cao chất lượng, chính vì vậy dẫn đến đầu tư giảm số lượng. Tuy nhiên, điều này cũng không đáng lo vì vốn FDI giải ngân trong Tám qua là thành công lớn trong bức tranh kinh tế của Việt Nam.

Ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 7,28 tỷ USD, bằng 99,7% so với cùng kỳ năm 2011. Đây là kết quả có được từ việc nhiều dự án đã được cấp phép trong những năm trước đây đang vào giai đoạn triển khai mạnh.

Chính lãnh đạo Cục Đầu tư Nước ngoài cũng thừa nhận, một số năm trước, nguồn vốn FDI mới đổ vào Việt Nam rất lớn nhưng lại chẳng hấp thụ được bao nhiêu. Giờ nguồn vốn này đang “hẹp” dần nhưng Việt Nam đã duy trì được nguồn vốn giải ngân, đây là một trong những nỗ lực lớn.

Ông Quang lạc quan khẳng định, vốn FDI giải ngân sẽ đạt khoảng 11 tỷ USD trong năm nay.

Trái ngược với những dự đoán lạc quan của ông Quang, ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách cho biết, ông vừa mới làm việc với một số tổ chức nước ngoài như JICA, Eurocham, họl o ngại luồng vốn này sẽ suy giảm do nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô ở Việt Nam.

Theo ông Thành, luồng vốn FDI vẫn tiếp tục chảy vào khu vực châu Á như các nước Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Myanmar nhưng không chảy vào Việt Nam trong 2 năm gần đây.

Ông Thành giải thích: “Bất ổn kinh tế vĩ mô là thủ phạm chính tàn phá môi trường kinh doanh, làm các nhà đầu tư nước ngoài giảm kỳ vọng vào Việt Nam.”

Ông trích dẫn sự tụt hạng của Việt Nam xuống nấc 98 năm 2012 từ mức 78 của năm 2011 theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới đánh giá xếp hạng môi trường kinh doanh 2012 và nói: “môi trường kinh doanh cho thấy sự xấu đi”.

Tuy nhiên, ông Quang vẫn lạc quan cho rằng, Việt Nam đang dần đi vào hoàn thiện luật pháp, chính sách (chính sách đất đai, ưu đãi hỗ trợ đầu tư…); nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xây dựng hệ thống thông tin đầu tư nước ngoài…

Từ nhiều căn cứ thực tế, ông Quang dự báo: “Dòng FDI toàn cầu 2013 dự kiến tăng và nhà đầu tư quốc tế vẫn đánh giá Việt Nam là điểm đến hấp dẫn.”

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục