Thở dài với bảo tồn phố cổ Hà Nội

Nhìn phố cổ Hà Nội “méo mó” như bây giờ, những người nặng lòng với Hà Nội không khỏi xót xa. Đã có nhiều cuộc họp, bàn thảo nhằm tìm ra phương án bảo tồn, phục dựng phố cổ nhưng sắp tới lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, mọi việc vẫn ngổn ngang. “Nếu phố cổ xưa mang vẻ đẹp của một cô gái mỏng mảnh, vóc liễu mình mai thì giờ đây vóc dáng ấy đã… phát tướng",  nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc thở dài.
Nhìn phố cổ đang “méo mó” như bây giờ, những người nặng lòng với Hà Nội không khỏi xót xa. Đã có nhiều cuộc họp, bàn thảo nhằm tìm ra phương án bảo tồn, phục dựng phố cổ nhưng sắp tới lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, mọi việc vẫn ngổn ngang.

Giới chuyên gia là các nhà Hà Nội học, kiến trúc sư – cả đời trăn trở với Thủ đô “hiến kế”, chỉ nên phục dựng triệt để một vài góc, đoạn phố chứ không nên “ôm” như quy hoạch phố cổ hiện nay.

“Cô gái” đang phát tướng


Căn nhà nhỏ của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc bộn bề những sách báo, trong số đó phần nhiều viết về Hà Nội. Ông nói rằng, phố cổ Hà thành có từ thời Cao Biền, thế kỷ thứ IX.

Về sự biến đổi diện mạo kiến trúc phố cổ, ông Phúc nói, đó là một biến đổi tất yếu của xã hội bởi với khí hậu như ở Việt Nam thì 100 năm là quá đủ cho mối mọt phá hỏng kiến trúc gỗ. Sự phát triển kinh tế khiến người ta không thể sống mãi trong ngôi nhà ọp ẹp, họ bèn phá ra xây mới, cơi nới, sửa chữa đủ kiểu. “Nếu phố cổ xưa mang vẻ đẹp của một cô gái mỏng mảnh, vóc liễu mình mai thì giờ đây vóc dáng ấy đã… phát tướng,” ông Phúc thở dài.

Nhà Hà Nội học cho rằng, khái niệm “nhà cổ” như người ta vẫn gọi hiện nay có tuổi thọ khoảng hơn 100 năm thực chất chỉ là “cổ” so với những ngôi nhà tân tiến làm bằng bêtông cốt sắt.

Phó Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam, Giáo sư, tiến sĩ, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính cũng đồng tình “khu phố cổ Hà Nội chỉ là phố cũ trên nền đất cổ”. Ông Kính cũng đặc biệt nhấn mạnh đây là “di sản đô thị” phố Việt - một di sản được tích lũy từ bao đời nay.

Theo ông Kính, người ta vào phố cổ không ai xem kiến trúc và cũng chưa ai hỏi cái nhà này cổ bao lâu, nhà này đẹp, nhà kia đẹp ra sao… Điều ông trăn trở chính là văn hóa ứng xử với kiến trúc hiện nay. Nó bộc lộ rõ ràng trong vài năm qua, đường phố biến đổi đến không nhận ra, nhà cửa kiến trúc lộn xộn. Nhà cũ được cơi nới, chồng thêm tầng hoặc cải tạo vô tư. Nhà mới thì mạnh nhà nào nhà nấy thiết kế nên mỗi nhà mỗi kiểu, hầu hết xây bằng gạch, đổ trần… Đó đều là những kiến trúc không bền vững.

Ông Kính cũng nói, hiện có khoảng 30 dự án của các chuyên gia trong và ngoài nước góp ý về bảo tồn phố cổ, nhưng dự án muốn được phê duyệt lại cần phải phù hợp với quy hoạch. Trong khi đó, quy hoạch lại vướng mắc ở nhiều vấn đề như sở hữu, quản lý… nên đến nay vẫn chưa thể giải quyết. Do đó, giờ đây mỗi khi nói đến chuyện phố cổ, từ người dân cho đến các nhà nghiên cứu, kiến trúc sư, nhà quản lý đều vô cùng… ngán ngẩm.

Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc trong câu chuyện thi thoảng “ngúng nguẩy” nói “tôi không quan tâm đến phố cổ nữa đâu”. Đó là cái hờn của một người làm nghiên cứu văn hóa nặng lòng với vốn cổ nay ngồi nhìn “băm sáu phố phường” bị cơ chế thị trường, con người, tự nhiên… làm cho “mục ruỗng” mà bất lực.

Can thiệp chọn lọc


Giá trị kiến trúc đang mất dần, nhưng cái làm cho nhiều người yêu quý phố cổ không phải ở điều ấy mà chính là cuộc sống trong khu vực phố cổ. Bởi thế, nhiều người vẫn thích ăn hàng, vẫn thích mua đồ và thậm chí sống ở đó. Song, cái hồn cốt không gian sống, nếp sinh hoạt, nếp làm ăn buôn bán của người dân đã thay đổi nhiều.

Ông Phúc nhớ lại, xưa người dân sống cố kiết với nhau, vì đều là dân tứ chiếng quần cư và rất đề cao tính cộng đồng. Ở quê có hàng xóm láng giềng thì ở thành phố có hàng phố, hàng phường. Nay, cơ chế kinh tế thị trường phát triển, người ta quá trọng đồng tiền mà thành vô luân hay quá đề cao bản ngã mà trở thành ích kỷ, sẵn sàn vứt rác sang hàng xóm, không như ngày xưa bố mẹ dạy con ra hè quét rác quét luôn giúp láng giềng…

Phố cổ đang trong thời kỳ biến động dữ dội giữa cái cũ và cái mới, phát triển hết sức linh hoạt. Nhà Hà Nội học này cho rằng, chỉ nên quy hoạch một số đoạn phố cổ như Hàng Đường, Mã Mây… Phục dựng làm sao cho sống cái không khí xưa. Hàng Đường thì buôn bán chính các mặt hàng: mật, đường, kẹo bánh… và dứt khoát phải có quy chế, luật thật cụ thể. Ý tưởng của ông Phúc là nên “khoét” ruột phố ra và phục dựng lại khu phố cổ ở bên trong.

Kiến trúc sư Ngô Huy Giao, nguyên Ủy viên chấp hành Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội tỏ ra đồng tình với quan điểm của ông Nguyễn Vinh Phúc. Ông Giao cho rằng việc chọn một vài khúc phố, tuyến phố nhất định để dồn sức tôn tạo, trùng tu cả về kiến trúc lẫn lối sinh hoạt, buôn bán các mặt hàng theo đúng phong cách phố cổ sẽ là cách làm hay nhất. Nó sẽ giúp làm triệt để, tránh bị loãng.

Ông Giao lý giải, nước ta có quá nhiều di sản đang trong quá trình xuống cấp và cần tiền bạc để trùng tu, tôn tạo. Do đó, với dự án bảo tồn phố cổ lên tới 100ha, Nhà nước sẽ không thể có nhiều tiền để đầu tư tu bổ hết các công trình.

Ngoài ra, việc phát triển kinh tế của phố cổ cũng chỉ từ từ, không thể phát triển xô bồ bằng cách mở chợ hay các trung tâm thương mại lớn. Bởi, sự phát triển kinh tế sẽ “bóp chết” dần phố cổ. Những tuyến phố, đoạn phố còn lại không thuộc diện bảo tồn, ông Giao cho rằng, nên để cho người dân tự phát triển. Tuy nhiên cũng phải khống chế trong xây dựng, không cho phép làm những thứ lố lăng hoặc thô kệch quá.

Cả ba chuyên gia đều khẳng định việc can thiệp vào phố cổ là bắt buộc, nhưng không có nghĩa là dàn trải, mà phải chọn điểm để làm triệt để. Họ vẫn đang “mòn mỏi” chờ các nhà quản lý lên tiếng và hành động.

Khu phố cổ Hà Nội thuộc địa phận 8 phường Quận Hoàn Kiếm có ranh giới: phía Bắc là đường Hàng Đậu; phía Tây là đường Phùng Hưng; phía Nam là đường Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ và Hàng Thùng; phía Đông là đường Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật.
Tổng diện tích quy hoạch khu phố cổ khoảng 100 ha. Trong đó, khu bảo vệ, tôn tạo cấp I, được giới hạn bởi đường phố Hàng Chiếu, Hàng Bạc, Trần Nhật Duật, Hàng Mắm và Hàng Đào có diện tích khoảng 19 ha. Khu bảo vệ, tôn tạo cấp II, bao gồm phần còn lại trong khu phố cổ có diện tích khoảng 81 ha./.
Mai Anh - Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục