Hoảng loạn vì động đất

Người dân Mỹ "nếm mùi" hoảng loạn vì động đất

Người dân Mỹ thật sự hoảng loạn với trận động đất rung chuyển các bang miền đông bắc sáng 23/8, hệ thống 911 gần như tắc nghẽn.
Như tin đã đưa, lúc 14 giờ ngày 23/8 (giờ Mỹ), một trận động đất với cường độ 5,9 độ Richter đã xảy ra tại bang Virginia của Mỹ với tâm chấn nằm tại thành phố Mineral, cách thủ đô Washington, D.C. khoảng gần 150km về hướng tây nam.

Trận động đất làm rung chuyển các bang ở miền đông bắc của nước Mỹ, thậm chí sang tận Canada.

"Nếm mùi" động đất

Tuy cho đến nay, chưa có thông báo nào về thiệt hại về người hoặc tài sản đáng kể, nhưng trận động đất đã gây ra sự hoảng loạn thực sự cho người dân ở những nơi bị ảnh hưởng.

Ngay sau khi cơn rung chuyển qua đi, người từ các tòa nhà cao tầng đổ ra ngoài theo các đường thoát hiểm, tạo ra một cảnh tượng chưa từng thấy khi đám đông người xuất hiện trên các vỉa hè.

Ở thành phố New York, nơi có những tòa nhà chọc trời, các máy bay tuần tra đã ghi lại được hình ảnh người dân chạy ra ban công trên tòa nhà cao nhất thành phố, tòa The Empire State Building.

Tại thủ đô Washington, nơi các tòa nhà thường không quá 11 tầng, người dân chạy ra khỏi các văn phòng làm việc và phải nhiều giờ sau mới dám trở lại. Cảnh tượng sơ tán cũng diễn ra ngay tại các tòa nhà hết sức kiên cố như nhà Quốc hội hay Nhà Trắng.

Ngay bên kia sông Potomac là Lầu Năm Góc. Tuy không bị thiệt hại gì, nhưng các nhân viên ở đây cho biết một đường ống dẫn nước bị vỡ khiến nước chảy tràn vào một dãy văn phòng làm việc.

Hệ thống tàu điện ngầm của thành phố Washington vẫn hoạt động bình thường. Do không cảm nhận được rung chuyển khi ở trên tàu, nhiều người khi lên mặt đất rất ngạc nhiên khi thấy đông người hoảng loạn trên đường phố. Có người tỏ ra không tin rằng đã có động đất.

Động đất ở khu vực miền đông nước Mỹ tương đối ít. Đây là trận động đất lớn đầu tiên tại bang Virginia từ năm 1897 và là lần đầu tiên tại miền Đông trong 67 năm qua.

Vì vậy, nhiều người không hiểu chuyện gì xảy ra khi xuất hiện chấn động. Hệ thống gọi khẩn cấp 911 đã gần như tắc nghẽn vì có quá nhiều cuộc gọi đến chỉ để hỏi là có chuyện gì xảy ra. Đài phát thanh WTOP, radio có số lượng người nghe lớn nhất ở thủ đô của Mỹ, ngoài việc cập nhật tình hình đã phải liên tục kêu gọi mọi người chỉ gọi số điện thoại 911 khi có chuyện khẩn cấp.

Các văn phòng, cửa hàng, hệ thống bảo tàng ở thủ đô Washington và Virginia đồng loạt đóng cửa ngay sau trận động đất. Việc này đã gây ra sự quá tải cho hệ thống giao thông tại nhiều thành phố, tạo ra sự tắc nghẽn tồi tệ nhất trong nhiều năm trên các tuyến đường huyết mạch.

Nhiều sân bay tại các bang miền Đông cũng tạm ngưng hoạt động trong vài giờ trước khi nối lại các chuyến bay. Hành khách được khuyến cáo kiểm tra tình trạng sân bay qua mạng trước khi ra sân bay.

Hệ thống thông tin liên lạc cũng bị ảnh hưởng. Các công ty cung cấp dịch vụ truyền hình, điện thoại và Internet tại khu vực như Comcast, RCN, Verizon đều thông báo có gián đoạn. Điện thoại bàn tại nhiều nơi không hoạt động được trong nhiều giờ.

Tình trạng hoảng loạn ban đầu khiến nhiều người nhớ lại vụ khủng bố ngày 11/9/2001 nhằm vào tòa tháp đôi tại thành phố New York và Lầu Năm Góc tại thủ đô Washington. Các đài phát thanh, truyền hình lớn của Mỹ đang đưa tin trực tiếp về diễn biến "nước sôi lửa bỏng" tại Libya đã ngừng lại để đưa tin về trận động đất.

Chưa có thông tin nào cho thấy có thiệt hại về người hay tài sản lớn, ngoài một số trường hợp có vật dụng trong nhà bị đổ vỡ. Một phụ nữ Việt kiều sống tại bang Virginia cho biết đèn trần nhà chị bị rơi do tác động của rung lắc, tuy nhiên may mắn không có ai trong gia đình bị thương.

Nguy cơ tiếp theo

Các cơ quan khí tượng của Mỹ cảnh báo các dư chấn có thể xuất hiện trong nhiều giờ, thậm chí trong vài ngày tới.

Tuy nhiên, mối lo ngại lớn là tình trạng của các lò phản ứng hạt nhân trong vùng. Nhà máy điện hạt nhân North Anna đặt tại thành phố Mineral chỉ cách tâm chấn của trận động đất vài dặm. Nhà máy này mất điện và tự động ngưng hoạt động ngay sau rung chấn. Ba trong bốn máy phát điện chạy bằng diesel ngay lập tức được sử dụng để làm nguội các thanh nhiên liệu, chiếc máy thứ tư đã không hoạt động được.

Ủy ban Giám sát Hạt nhân (NRC) của Mỹ cho biết việc ngừng hoạt động của nhà máy North Anna diễn ra an toàn và không gây nguy cơ nào cho dân cư xung quanh. Tuy nhiên, hiện chưa rõ bao giờ nhà máy này sẽ hoạt động trở lại.

Điều đáng lo ngại là nhà máy hạt nhân này được thiết kế với khả năng chịu động đất tới 6,2 độ Richter, trong khi cường độ của trận động đất vừa qua đã là 5,9 độ, gần sát tới ngưỡng chịu đựng của nhà máy.

Phóng viên TTXVN tại Mỹ sẽ tiếp tục cập nhật tình hình xung quanh vụ động đất này./.

Đỗ Thúy/Washington (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục