CHDCND Triều Tiên mừng thử hạt nhân thành công

Hơn 100.000 binh sỹ và người dân đổ về quảng trường ở Bình Nhưỡng để mừng thành công vụ thử hạt nhân và ca ngợi nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-Un.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 15/2 đưa tin hơn 100.000 người gồm các binh sỹ quân đội và người dân đã đổ về quảng trường phủ đầy tuyết ở thủ đô Bình Nhưỡng để mừng thành công vụ thử hạt nhân hôm 12/2 và ca ngợi nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-Un.

[Người dân Triều Tiên "hân hoan" vì vụ thử hạt nhân]

Tham dự cuộc tuần hành này có các quan chức cấp cao đảng và quân đội Triều Tiên cùng các công nhân và sinh viên. Nhà lãnh đạo Kim Jong-Un không xuất hiện trong cuộc tuần hành này.

Bí thư Đảng Lao động Triều Tiên Kim Ki Nam tuyên bố trước đám đông rằng vụ thử nhân lần thứ ba này là một biện pháp phòng ngự trước chính sách thù địch của Mỹ.

Cùng ngày, quân đội Hàn Quốc đã tiến hành cuộc tập trận pháo binh tại một khu vực gần biên giới với Triều Tiên nhằm ngăn chặn Bình Nhưỡng tiến hành các hành động khiêu khích.

Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min Seok cho biết cuộc tập trận gồm pháo tự hành K-9 và các dàn phóng tên lửa được triển khai tại căn cứ của lữ đoàn pháo binh số 2 ở Cheorwon, tỉnh Gangwon. Theo ông, "Cuộc tập trận này nhằm thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của quân đội Hàn Quốc trong việc đáp trả những hành động khiêu khích của Triều Tiên."

Cùng ngày 15/2, Thượng viện Nhật Bản đã thông qua nghị quyết kêu gọi Triều Tiên từ bỏ tất cả các chương trình phát triển hạt nhân của mình. Trong nghị quyết, Thượng viện Nhật Bản cho rằng vụ thử hạt nhân vừa qua của Triều Tiên là một sự khiêu khích đối với cộng đồng quốc tế và phớt lờ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kêu gọi Bình Nhưỡng không tiến hành các vụ thử.

Nghị quyết lên án việc Triều Tiên phát triển không chỉ vũ khí hạt nhân mà cả công nghệ tên lửa đạn đạo tầm xa là một hành động đe dọa hòa bình và an toàn ở Đông Bắc Á cũng như toàn thế giới.

Phát biểu trước phiên họp toàn thể của Thượng viện, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã mạnh mẽ lên án vụ thử hạt nhân, cho rằng Bình Nhưỡng đang thách thức nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến Triều Tiên thông qua đối thoại.

Ông Abe cho biết Chính phủ Nhật Bản sẽ xem xét áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng. Trước đó một ngày, Hạ viện Nhật Bản cũng thông qua nghị quyết lên án việc Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân thứ ba vừa qua.

Ngày 14/2, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã tìm kiếm sự hợp tác của Indonesia về vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, đồng thời tuyên bố với người đồng cấp Indonesia Marty Natalegawa rằng cộng đồng quốc tế cần phải hợp tác để ngăn ngừa Bình Nhưỡng có "hành động khiêu khích."

Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, trong cuộc gặp riêng với Thủ tướng Abe, ông Natalegawa cho biết Indonesia cũng lên án vụ thử hạt nhân và tìm kiếm các giải pháp cho mọi thách thức khu vực bằng cách hợp tác với Nhật Bản.

Trong khi đó, các nguồn tin chính trị cho biết Nhật Bản ngày 14/2 đã bắt đầu các hoạt động chuẩn bị để phối hợp với Mỹ trong việc áp đặt các lệnh trừng phạt tài chính mới đối với Triều Tiên.

Bộ Ngoại giao Nga ngày 14/2 cũng khẳng định Mátxcơva sẽ phối hợp với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để đưa ra một phản ứng quốc tế phù hợp đối với vụ thử hạt nhân mới đây của Triều Tiên.
 
Tại cuộc họp báo ở Mátxcơva, người phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich khẳng định Nga sẽ “nỗ lực hết sức” trong khuôn khổ Hội đồng Bảo về việc đưa ra phản ứng đối với vụ thử hạt nhân của Triều Tiên. Nga phản đối bất cứ hành động tăng cường sức mạnh quân sự nào trên bán đảo Triều Tiên và không lấy vụ thử hạt nhân làm cái cớ để gia tăng sự hiện diện quân sự trong khu vực.

Trong khi đó, Viện Mỹ-Triều Tiên, thuộc Trường đại học Johns Hopkins của Mỹ, ngày 14/2 cho biết Triều Tiên có thể đang nâng cấp một trong hai địa điểm phóng tên lửa chính của nước này nhằm thử nghiệm các tên lửa có kích thước lớn hơn, điều này chứng tỏ nước này đang có kế hoạch phóng tên lửa đạn đạo tầm xa. Ngoài ra, Triều Tiên cũng đang tiến hành xây dựng một bệ phóng tên lửa mới ở Musudan-ri và dự kiến hoàn tất vào năm 2016.

Theo Viện trên, việc Triều Tiên phóng thành công một vệ tinh hồi tháng 12/2012 và vụ thử hạt nhân ngày 12/2 đã làm dấy lên những lo ngại rằng nước này đang tiến gần tới mục tiêu chế tạo một quả bom hạt nhân đủ nhỏ có thể gắn vào tên lửa liên lục địa./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục