Kinh tế Mỹ hứng chịu nhiều thiệt hại do thiên tai

Khô hạn gây mất mùa, nắng nóng kỷ lục, lốc xoáy, bão tuyết và cháy rừng đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Mỹ từ đầu năm tới nay.
Khô hạn gây mất mùa, nắng nóng kỷ lục, lốc xoáy, bão tuyết mưa lũ và cháy rừng đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Mỹ từ đầu năm tới nay. Nguy cơ bất thường của thời tiết năm 2011 này được dự báo sẽ còn tiếp tục tái diễn ở Mỹ trong nhiều thập kỷ tới.

Ngày 8/9, Giám đốc tổ chức nghiên cứu khí tượng thủy văn Weather Underground Inc., ông Jeff Masters, cho biết đầu năm nay, tình hình thời tiết ở Mỹ đã diễn biến rất bất thường, từ trận bão tuyết làm tê liệt thành phố Chicago ở miền Bắc, đợt nắng nóng kỷ lục tại thủ đô Washington và bang Okclahoma, các trận lốc xoáy tàn phá các bang miền Nam, tới các trận lụt lịch sử ở hai bang Vermont và New Jersey, vụ cháy rừng chỉ trong vài ba ngày thiêu rụi hơn 1.000 ngôi nhà ở bang Texas...

Thống kê của Cơ quan Đại dương và Khí quyển quốc gia của Mỹ (NOAA) cho thấy riêng trong 8 tháng đầu năm ở Mỹ đã xảy ra 10 thiên tai lớn, gây tổng thiệt hại lên tới 35 tỷ USD, biến 2011 trở thành một trong những năm bị thiệt hại nặng nề nhất do thiên tai gây ra.

Trong khi đó, cơn bão nhiệt đới Lee đổ bộ vào miền Đông Bắc nước Mỹ hồi đầu tuần tiếp tục gây mưa to gió lớn trên diện rộng, gây ra những thiệt hại đáng kể về người và vật chất ở khu vực này.

Trong một diễn biến mới nhất, ngày 8/9, Cơ quan Khí tượng quốc gia Mỹ (NWS) đã ban bố lệnh cảnh báo lũ lụt tại một loạt bang như New York, New Jersey, Connecticut, Maryland và Virginia... Theo NWS, lũ lụt tại nhiều thành phố đã làm tê liệt hầu hết mọi tuyến đường cao tốc. Đặc biệt, tại bang Pennsylvania, đã có ít nhất 3 người thiệt mạng và hơn 100.000 người phải đi sơ tán.

Những trận mưa xối xả trút xuống Đông Bắc Mỹ những ngày qua cũng đã khiến mực nước sông Susquehanna, bang Philadelphia, dâng cao và tràn bờ, buộc hàng nghìn người phải đi sơ tán. Trong khi đó, tại thành phố Binghamton thuộc bang New York, lượng mưa đo được trong 24 giờ qua có lúc lên tới 21,6cm. Thủ đô Washington và các vùng lân cận cũng bị ảnh hưởng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục