Myanmar và Thổ Nhĩ Kỳ tăng quan hệ song phương

Myanmar và Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí mở Đại sứ quán tại thủ đô mỗi nước và cùng xem xét nâng quan hệ hai nước lên đối tác chiến lược.
Myanmar và Thổ Nhĩ Kỳ cam kết đẩy mạnh quan hệ hữu nghị, nhất trí mở Đại sứ quán tại thủ đô mỗi nước và cùng xem xét nâng quan hệ hai nước lên đối tác chiến lược.

Những cam kết này được đưa ra nhân chuyến thăm của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu tới Myanmar trong hai ngày 8-9/8.

Không chỉ là quan chức cấp cao đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ tới Myanmar kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1958, ông Davutoglu đồng thời là Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) và dẫn đầu một phái đoàn của tổ chức này tới làm việc với chính quyền Myanmar.

Trong cuộc gặp Tổng thống nước chủ nhà U Thein Sein ở thủ đô Nay Pyi Taw ngày 9/8, Ngoại trưởng Davutoglu nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn Myanmar trở thành đối tác chiến lược của Ankara tại Đông Nam Á.

Ông Davutoglu cũng cho biết Cơ quan Hợp tác quốc tế Thổ Nhĩ Kỳ muốn mở văn phòng tại Myanmar và hỗ trợ nước này thông qua hợp tác với các tổ chức địa phương. Ông Davutoglu cũng khẳng định cộng đồng quốc tế đều thừa nhận Myanmar đã tiến hành các bước cải cách một cách nhanh chóng.

Ngoại trưởng Davutoglu đề nghị hai nước thúc đẩy hợp tác tại các diễn đàn quốc tế, bày tỏ mong muốn Myanmar ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2015-2016 và đăng cai Triển lãm OIC 2020. Phía Thổ Nhĩ Kỳ cũng mong muốn ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác thương mại và đầu tư với Myanmar, đặc biệt là trong các dự án chế biến thực phẩm, chế tạo và năng lượng.

Cũng trong chuyến thăm Myanmar, ông Davutoglu đã tới bang Rakhine ở miền Tây, nơi tình hình an ninh trở nên bất ổn trong những ngày qua. Ông Davutoglu cho rằng vấn đề Rakhine sẽ không làm lu mờ hình ảnh tích cực của Myanmar. Thổ Nhĩ Kỳ đã viện trợ thực phẩm và thuốc men trị giá 50 triệu USD cho các nạn nhân tại Rakhine. Tuy nhiên, ông Davutoglu cũng lưu ý Myanmar cho phép các tổ chức quốc tế tiếp cận khu vực Rakhine để tìm hiểu tình hình, tránh để xảy ra sự hiểu lầm.

Về phần mình, Tổng thống U Thein Sein cám ơn Thổ Nhĩ Kỳ đã hỗ trợ các nạn nhân tại Rakhine, đồng thời khẳng định không có xung đột tôn giáo hay sắc tộc tại bang này. Theo Tổng thống U Thein Sein, bất ổn tại khu vực là do các hành động mang tính báo thù trái pháp luật, bị kích động từ vụ một phụ nữ bị sát hại dã man. Hiện nay, chính quyền Myanmar vẫn theo dõi sát sao và kiểm soát được tình hình.

Tổng thống U Thein Sein cũng bày tỏ hy vọng qua chuyến thăm bang Rakhine, ông Davutoglu, trong vai trò là Tổng Thư ký OIC, sẽ giúp gỡ bỏ những hiểu lầm của OIC trong vấn đề này./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục