Chăm sóc sức khỏe cho thanh niên đường phố

TP.HCM hiện có hơn 3.000 thanh niên đường phố, nên ngoài vấn đề tạo việc làm, việc chăm sóc sức khỏe giới tính, phòng chống HIV cho những đối tượng này cũng cần được quan tâm.
Ngày 14/8, nhiều thanh niên vốn sống lang bạt, mưu sinh tại các công viên, bến xe, chợ, nhà ga, hoạt động trong 5 nhóm đồng đẳng: “Nắng Á Đông”, “Sức sống”, “Thăng Long”, “Nòng cốt”, “Mưa Sài Gòn” đã tham gia diễn đàn “Vì cuộc sống lành mạnh của Thanh niên đường phố” do trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với "Tổ chức Cứu trợ trẻ em" tổ chức.

Những thanh niên này, chủ yếu là người ngoại tỉnh, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn về tài chính, khủng hoảng tinh thần; mưu sinh hàng ngày trên phố với các công việc như: đánh giày, bán vé số, bốc vác, giao hàng, bơm vá xe.

Tại diễn đàn, nhiều thắc mắc về vấn đề tình dục an toàn, cai nghiện ma túy bằng Methadone, nên sinh con hay không khi biết người mẹ nhiễm HIV, công tác chăm sóc thanh niên đường phố của các tổ chức xã hội... đã được giải đáp cụ thể.

Theo bác sĩ Nguyễn Đăng Phấn, thuộc phòng khám từ thiện Mai Khôi, Tu viện Mai Khôi, Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ có 25 % thanh niên đường phố, nghiện ma túy, nhiễm HIV được uống thuốc ARV và do không có nơi ở ổn định, sống trong môi trường bị ô nhiễm nên dễ phát tán bệnh.

Số đối tượng được điều trị tại các trung tâm hỗ trợ cộng đồng chưa nhiều, do không đi khám sớm nên người bệnh chỉ sống được trong thời gian điều trị 6 - 12 tháng.

Bà Mỹ Hiền, Giám đốc Trung tâm thực hành công tác xã hội (Đại học Mở), cho biết, hiện thành phố có hơn 3.000 thanh niên đường phố; trong đó có những đối tượng nghiện ma túy, nhiễm HIV, phải thuê trọ, sống không ổn định, dễ phát sinh các tệ nạn xã hội. Song song với vấn đề tạo việc làm, việc chăm sóc sức khỏe giới tính, phòng chống HIV cho những đối tượng này cũng cần được quan tâm đúng mức./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục