Bạc Liêu: Triều cường dâng cao nhất 20 năm qua

Nước biển liên tục dâng cao bất thường đã làm sạt lở, mất đi nhiều diện tích rừng phòng hộ và làm ngập nhà cửa của hàng trăm cư dân.
Liên tiếp những ngày cuối tháng 10, do ảnh hưởng của triều cường, mực nước biển thường xuyên đột ngột dâng cao, đã gây ngập nước nhiều nhà cửa của người dân, các công trình dân sinh ở khu vực các cửa biển Nhà Mát, Gành Hào, Cái Cùng và ngập nặng ở một số tuyến đường huyết mạnh, cả nội ô thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.

Ông Lai Thanh Ẩn, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu, cho biết những ngày qua tại các khu vực ven biển của tỉnh, triều cường diễn biến hết sức phức tạp, đã ảnh hưởng tiêu cực đến sinh hoạt và sản xuất của người dân, nhất là một bộ phận cư dân nghèo sống dọc theo chiều dài gần 56km ven đê biển.

Đáng báo động nhất là tình trạng nước biển liên tục dâng cao bất thường trong nhiều ngày qua, kèm theo sóng to, gió lớn đã làm sạt lở, mất đi nhiều diện tích rừng phòng hộ và làm ngập nhà cửa của hàng trăm cư dân nghèo tại khu vực các cửa sông ven biển của tỉnh.

Tại khu vực cửa biển Nhà Mát (thành phố Bạc Liêu); Gành Hào (Đông Hải); Đầm Cùng (Hòa Bình) suốt nhiều ngày qua, hàng trăm hộ dân cư ngụ tại khu vực này đã sống trong tâm trạng lo sợ bởi sự diễn biến bất thường của mực nước biển. Người dân đã liên tục chứng kiến và ra sức đối phó với tình trạng nước biển dâng kèm theo sóng to gió lớn vào lúc nửa đêm trở về sáng.

Ông Huỳnh Văn Tân (phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu) cho biết hơn 50 năm sống tại đây, chưa bao giờ nước biển lên cao như hiện nay. Gia đình ông cũng như hàng trăm hộ dân nơi đây bị xáo trộn cuộc sống do nước ngập trong những ngày qua.

Riêng đoạn đê kè ven biển, thuộc khu vực trước Đồn Biên Phòng 664, phường Nhà Mát, trước đây toàn bộ thân kè là nền đá cao hơn 1m. Đoạn đê từng được xem là lá chắn sóng biển để bảo vệ đồn biên phòng cũng như hàng trăm hộ dân cư ngụ phía trong đê và một số công trình dân sinh quan trọng trong khu vực. Nhưng trong những ngày qua, do sóng to cùng với nước biển dâng cao nên con đê này hầu như đã không còn tác dụng. Nhiều đoạn thân kè đã bị sóng biển bào mòn, cuốn trôi, hàng trăm căn nhà của người dân sinh sống ven đê cùng các cơ quan, đơn vị đã bị cô lập trong lúc nước biển dâng.

Không những thế, triều cường cũng đã làm ngập nhiều trục đường ven biển, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của người dân. Các phương tiện tham gia giao thông và việc đi học của học sinh gặp nhiều khó khăn. Nước mặn xâm thực qua đê, qua các tuyến đường còn gây thiệt hại nặng nề đến sản xuất hoa màu, nuôi tôm của một số hộ dân.

Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Bạc Liêu, thời gian gần đây trên địa bàn Bạc Liêu đã liên tiếp xảy ra hiện tượng nước biển dâng cao bất thường, kèm theo sóng to, gió lớn, sạt lở đất, sự xâm thực ngày càng sâu vào đất liền của biển. Đáng lưu ý là mực đỉnh triều cường năm sau luôn cao hơn nhiều lần so với năm trước. Và mực nước triều trong những tháng cuối năm 2011 này là mức cao nhất trong vòng hơn 20 năm qua.

Kỹ sư Lê Văn Sa, Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Bạc Liêu, nhận định sự diễn biến bất thường của thời tiết đối với vùng dân cư ven biển tỉnh Bạc Liêu cho thấy kịch bản của biến đổi khí hậu ngày càng hiện rõ, đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến an sinh của hàng ngàn cư dân vùng ven biển Bạc Liêu. Trong khi chờ đợi nguồn ngân sách thực hiện các dự án xây kè ngăn sóng và nước dâng, phòng sạt lở đất, thì hàng ngày những cư dân nghèo ven biển đang phải gồng mình chống đỡ với sự khắc nghiệt của thiên nhiên.

Bên cạnh đó, tại thị xã Thuận An, Bình Dương có gần 20km đê bao ven sông Sài Gòn năm nào cũng được gia cố, bồi đắp, nhưng triều cường vẫn cứ đe dọa vỡ đê khiến người dân liên tục phải chạy lụt giữa trời không mưa.

Theo báo cáo của phòng kinh tế, thị xã Thuận An, trên địa bàn có đoạn đê bao thuộc hệ thống kênh của sông Sài Gòn đoạn phường Vĩnh Phú kéo dài 4km khá xung yếu. Đoạn đê bao kể trên do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn làm chủ đầu tư, tuy nhiên khi triển khai xong giai đoạn 1, đơn vị thi công chỉ mới xây dựng được cao trình chống lũ 1,8m. Nhiều đoạn đê còn quá “mong manh” nên không chống nổi trước đợt triều cường hôm 28/10 làm vỡ đê tại phường Vĩnh Phú khiến hàng ngàn hộ dân sống trong cảnh lụt lội.

Bốn ngày nay, gia đình bà Nguyễn Thị Thiêm ở khu phố Phú Hội, phường Vĩnh Phú, đứng ngồi không yên khi căn nhà bị ngập sâu nhưng nước rút quá chậm. “Tủ gỗ, tủ lạnh bị ngâm nước nhiều ngày bắt đầu rệu rã,” bà Thiêm cho biết.

Anh Trương Minh Hiệp, khu phố Phú Hội, phường Vĩnh Phú, thị xã Thuận An cho biết, cả năm nay chăm sóc gần 200 chậu mai hy vọng Tết sẽ thu hoạch. Thế mà, trận lụt vì triều cường quá bất ngờ làm cả vườn mai ngâm dầm trong nước mấy ngày qua làm một số cây mai bắt đầu vàng lá có nguy cơ mất trắng.

Đàn bò sữa của gia đình anh Nguyễn Kim Hoàng, ở khu phố Phú Hội, phường Vĩnh Phú chạy triều cường lên đê sống lay lắt đã mấy ngày qua. Một số hộ dân lùa đàn lợn, bò lên cầu tránh ngập, khi trời Bình Dương đang nắng gắt.

Ông Nguyễn Văn Năm ở khu phố Phú Hội, phường Vĩnh Phú bức xúc cho biết: “Giờ tôi trắng tay rồi, hồ cá gần cả tấn cuốn theo dòng nước lũ hôm 29/10. Cả năm nay trông chờ thu hoạch cá thì nay mất trắng."

Bà Nguyễn Thị Ngọc Châu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Vĩnh Phú cho biết, trên địa bàn phường có gần 2.000 hộ bị ảnh hưởng ngập sâu bởi triều cường; tuy nhiên đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa thống kê đầy đủ thiệt hại.

Sáng 31/10, nhằm giúp dân sớm ổn định cuộc sống, thị xã Thuận An huy động gần 300 đoàn viên thanh niên xuống trực tiếp giúp dân khắc phục hậu quả tại khu vực bị ngập úng sau khi nước rút.

Cùng ngày, Thuận An đã huy động 200 người xuống khu vực ngập úng nặng, giúp dân dọn dẹp nhà cửa, quét dọn, tẩy rửa bùn ô nhiễm; giúp dân khôi phục các vườn cây, kê cao chống nhập úng và khắc phục đắp bờ bao, gia cố lại đoạn đê bao đã vỡ để chống đỡ các đợt triều cường mới dự báo sẽ còn mạnh hơn./.

Chí Tưởng-Huỳnh Sử (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục