Vua hài: Thiếu tích, ít trò

Thí sinh "Vua hài đất Việt" lẽ nào chịu tiếng hết trò!

Hành trình tìm "Vua hài đất Việt" đang ở giai đoạn sàng lọc, song việc thiếu tích, ít trò khiến cho thí sinh giỏi cũng khó thể hiện...
Chương trình “Vua hài đất Việt” từ vòng sơ khảo đã gây ra các ý kiến không đón nhận song  nhiều người xem  vẫn chờ đợi theo dõi vòng trong để chứng kiến sự thăng hạng hoặc chí ít cũng thỏa tò mò về khả năng gây cười của các thí sinh trong thử thách khó hơn.

["Vua hài đất Việt" có thành "Vua liều đất Việt?"]

Tiếng cười luôn có ích


Công bằng mà nói, chương trình này hữu ích vì nó mang đến cơ hội cho các cây hài trong phố, xóm, cơ quan có dịp thể hiện mình. Và cũng rất có thể sẽ bổ sung tốt cho đội ngũ nghệ sĩ hài đang còn thiếu so với nhu cầu.

Chương trình đã ghi hình từ phần các thí sinh nung nấu chuẩn bị, tập dượt ở nhà và "nâng bước" khuyến khích họ cố gắng...Có thí sinh tâm sự: “ Em yêu hài từ nhỏ. Dù thi được hay không thì tham gia vào sân chơi này cũng là kỷ niệm lớn trong đời….Em muốn ba mẹ xem và hãnh diện về mình.”

Mới đây nhất là tập ghi lại vòng thi chọn thí sinh phía Nam ra Hà Nội phát trên kênh VTV3 vào Chủ nhật (13/11). Các nghệ sĩ hài nổi tiếng đang hoạt động nghệ thuật ở phía Nam như Hồng Vân, Đức Hải, Minh Nhí đã ngồi ghế giám khảo để "cầm cân nảy mực" và uốn nắn các thí sinh. Có khán giả nêu băn khoăn về "khẩu vị" hài hai miền khác nhau thì hạn chế kết quả chấm. Bởi vì nhu cầu bật lên tiếng cười của khán giả miền Nam và khán giả miền Bắc có đôi chỗ khác nhau. Có khi khán giả miền Nam cho là được nhưng khán giả miền Bắc lại thấy khó cười và ngược lại."

Chia sẻ với những băn khoăn này, NSƯT Hồng Vân nói: “Khán giả miền Bắc, cụ thể là khán giả Hà Nội rất kỹ tính, bao giờ cũng có yêu cầu về nội dung cười và những gửi gắm nào đó trong tiết mục hài. Còn khán giả miền Nam lại ưa cái cười trực tiếp, sảng khoái. Tuy nhiên nếu đã là tiết mục thực sự hay thì sẽ cuốn được khán giả cả hai miền cùng cười và đón nhận nồng nhiệt. Tiếng cười có giá trị luôn có ích trong đời sống.”

“Một điểm cần lưu ý là tiếng nói của mỗi miền cũng cần nghe quen mới hiểu được rõ. Thế nên người nghệ sĩ cần có sự 'tiết chế' về âm điệu, tốc độ nói ở tiết mục của mình để khán giả cả nước cùng cảm nhận được cái hài,” NSƯT Hồng Vân nói thêm.

Thí sinh Nguyễn Phúc Gia Huy có biệt tài nhại âm sắc của nhiều thứ tiếng nước ngoài. Trong đó đặc sắc nhất là tiếng Thái Lan. Anh được các giám khảo nhận xét đã có cách nhìn đời hóm hỉnh, bớt bi quan hơn trong phần trình diễn “hồi sơ khảo.” Song các giám khảo cũng yêu cầu anh cần chọn lọc chuyện kể chứ không thể có gì nói ra hết tuồn tuột và cần đẩy các câu chuyện "pha tiếng" có chiều sâu. Chuyện hai thí sinh trong vai trộm đóng giả chó chui gầm giường cũng thật phi lý đến khó cười...

Lại có thí sinh được chọn vì nhiều trò diễn trong tiết mục nhưng lại chủ yếu bằng động tác cưỡi chổi, ăn chuối bằng mũi... nên chưa thuyết phục được người xem thích tiếng cười thâm thúy...

"Vẫn thiếu tích, ít trò!"

Theo nhiều khán giả xem đài, đến vòng hai, các nhóm hài có vẻ ăn nhập với nhau hơn, đầu tư hơn hẳn vòng ngoài nhưng vẫn có gì đó láo nháo, khó cười. Một trong những lý do chính là thiếu tích, ít trò. Đó là nhóm bán quán với những món ăn nghe mà rùng mình như “nấu nước lèo với chuột cống.” Nghệ sĩ Hồng Vân đã nhận xét nhóm này vì thiếu nội dung và kỹ thuật diễn mà “cách diễn của em làm cho người xem đang mắc cười, định cười thì lại bị kéo xuống.”

Thậm chí thấy các thí sinh thiếu trò diễn quá nên giám khảo đã phải vào cuộc tạo cơ hội cho họ diễn. Các nghệ sĩ Đức Hải, Minh Nhí tham gia "mồi" cho thí sinh. Các nghệ sĩ cũng khuấy động lên được ít nhiều. Bài diễn giao tại chỗ này có thể tôn lên thí sinh giỏi và làm lộ ra ngay thí sinh yếu kém. Giám khảo Đức Hải đã nhấn mạnh việc còn... ít trò. Và phải rời cuộc chơi thì cũng coi như đây là cuộc tập dượt.

Băn khoăn về việc túng trò diễn, phóng viên Vietnam+ đã phỏng vấn ông Chu Thơm-tác giả kịch bản của những vở diễn đã gây xôn xao và được đánh giá cao trong giới như vở "Mỹ nhân và anh hùng," "Làm đĩ," về chương trình "Vua hài đất Việt". Ông Chu Thơm trao đổi: "Ngày xưa các cụ ta gọi những màn hài hay trong sân khấu dân gian là 'trò nhời' và trò bằng lời của người xưa hay lắm. Nó không phải chỉ có hình thức như người ta lầm tưởng trong hài cu sứt, trong hài 'Xã trưởng mẹ Đốp'... Quan trọng nhất là tính văn học. Nếu không có lời và gây hài ý sâu thì cười rất nhạt. Hài càng cần rõ tính nhân văn. Không thể nào lấy chảo bôi lên mặt, lấy chổi đập nhau để gây cười. Các giám khảo cần 'dạy' thí sinh thật rõ ràng"

Một nghệ sĩ sân khấu hài nổi danh của Nhà hát Tuổi trẻ cũng bày tỏ quan điểm: "Cuộc thi chưa 'ra trò' lắm thì dù thí sinh giỏi đột biến cũng chỉ nên gọi cây hài mà thôi. Không thể là vua hài được."

Thế nhưng, cũng phải thẳng thắng nhìn nhận rằng, sân chơi mới này-vì là mới, nên việc vừa làm vừa rút kinh nghiệm là không thể tránh khỏi. Mong rằng các thí sinh ra Hà Nội cho vòng thi mới sẽ có một sức bật mới qua các trò diễn  thuyết phục được khán giả Thủ đô hơn là sự xuất hiện còn như “nháp thử” trên truyền hình./.

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục