Tiếp tục miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp

Việc tiếp tục miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp là cần thiết, thể hiện chính sách đúng đắn trong tạo động lực tích lũy vốn.
Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về việc ban hành Nghị quyết Quốc hội về việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp giai đoạn 2011-2020 là nội dung làm việc đầu tiên tại phiên họp 21 của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội.

Phiên họp diễn ra trong hai ngày 9 và 10/9 tại Hà Nội.

Theo Tờ trình của Chính phủ, việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp thời gian qua đã góp phần giảm bớt khó khăn, cải thiện đời sống, hỗ trợ nông dân có thêm vốn tái đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp.

Thực hiện Nghị quyết số 15/2003/QH11 ngày 17/6/2003 về việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, từ năm 2003-2010, mỗi năm đã miễn, giảm cho trên 11 triệu hộ với diện tích miễn, giảm khoảng hơn 5.400ha, tổng số thuế miễn, giảm là 2.837 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp và đời sống người nông dân vẫn còn nhiều khó khăn, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp còn thấp. Việc tiếp tục miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp sẽ góp phần giảm bớt khó khăn, từng bước nâng cao thu nhập và ổn định đời sống người nông dân; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất nông nghiệp.

Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội quy định tiếp tục thực hiện miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp là cần thiết, thể hiện chính sách đúng đắn trong việc tạo động lực tích lũy vốn của hộ gia đình nông dân, tăng đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp và nâng cao đời sống nông thôn.

Thực tế, hiện nay, kinh tế nông nghiệp, nông thôn vẫn là lĩnh vực chậm phát triển, đời sống của người nông dân vẫn chưa được cải thiện nhiều. Việc tiếp tục áp dụng chính sách miễn, giảm thuế sẽ góp phần đẩy nhanh tốc độ xóa đói giảm nghèo, bảo đảm điều tiết thu nhập, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hiện đại.

Mặt khác, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp không phải là lĩnh vực đầu tư hấp dẫn, việc thu hút vốn đầu tư cho nông nghiệp không có thế mạnh so với các lĩnh vực khác. Việc giảm thuế là một trong những biện pháp góp phần nâng cao sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư vào nông nghiệp.

Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến đồng tình việc tiếp tục miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp với những tác dụng tích cực, hợp lòng dân như Tờ trình và Thẩm tra của Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách đã phân tích.

Tuy nhiên, việc áp dụng chính sách miễn, giảm thuế cần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản pháp luật. Chính phủ cần có đánh giá sâu sắc hơn về hiệu quả đích thực của việc miễn, giảm thuế.

Bởi trong thực tế, mặc dù chính sách miễn, giảm đã được áp dụng nhiều năm nhưng các vấn đề liên quan đến hiệu quả của việc quản lý, sử dụng đất nông nghiệp vẫn còn nhiều bất cập cần được tháo gỡ. Một bộ phận nông dân còn thiếu đất sản xuất, 90% số hộ nghèo hiện nay tập trung ở khu vực nông thôn; tình trạng bỏ hoang hóa đất nông nghiệp còn diễn ra. Chính sách miễn, giảm thuế còn mang tính bình quân, chưa thể hiện được tính ưu đãi đối với từng loại đất, từng mục đích sử dụng. Cũng cần rà soát để đảm bảo sự tương thích, đồng bộ của Nghị quyết với hệ thống văn bản pháp luật.

Việc ban hành Nghị quyết về miễn, giảm thuế còn mang tính tình thế, chưa điều chỉnh toàn diện những vấn đề liên quan đến một sắc thuế. Trong khi Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp được ban hành từ 1993 đến nay nhiều quy định không còn phù hợp thực tế, cần sớm tổng kết quá trình thực thi để từ đó ban hành một đạo luật chung về thuế đối với sử dụng đất.

Về một số nội dung cụ thể, đa số ý kiến đồng tình đối tượng được miễn thuế là hộ nông dân, cá nhân trực tiếp sử dụng đất nông nghiệp. Nhiều ý kiến cho rằng nên miễn toàn bộ số thuế sử dụng đất nông nghiệp phải nộp đối với diện tích đất trồng lúa và làm muối (không phân biệt trong và ngoài hạn mức).

Cũng có ý kiến đề nghị miễn toàn bộ số thuế sử dụng đất nông nghiệp phải nộp vì đây là số thu không lớn (khoảng 84 tỷ đồng/năm), tạo tâm lý đồng thuận cao trong nhân dân, khuyến khích người dân an tâm sản xuất.

Riêng việc miễn thuế đối với hộ gia đình nông trường viên, lâm trường viên nhận đất giao khoán ổn định, có một số ý kiến cho rằng không thực tế, chỉ là hình thức "phát canh thu tô." Về thời hạn miễn giảm, đa số ý kiến tán thành thời hạn 10 năm để tạo căn cứ pháp lý ổn định cho chính sách khuyến khích phát triển kinh tế nông nghiệp, động viên nông dân yên tâm đầu tư sản xuất...

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn tiếp tục cho biết sẽ sửa lại dự thảo theo hướng đất trong hạn mức thì được miễn hoàn toàn, trên hạn mức thì được giảm và trên hạn mức tích tụ thì thu 100%. Đất trồng lúa, làm muối được miễn toàn bộ; đất dành cho mục đích nghiên cứu khoa học, kỹ thuật phục vụ nông nghiệp được miễn thay vì giảm thuế...

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng sản xuất nông nghiệp là một trong những lĩnh vực dễ gặp rủi ro, thu nhập của người nông dân bấp bênh, không ổn định; số đầu tư trong và ngoài nước vào nông nghiệp chưa nhiều.

Nhà nước đã áp dụng nhiều biện pháp tháo gỡ song chưa thực sự hiệu quả, trong khi những năm tới có dấu hiệu chịu ảnh hưởng, tác động xấu của biến đổi khí hậu dẫn tới thu hẹp đất nông nghiệp.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng số thu từ thuế sử dụng đất nông nghiệp không nhiều, trong khi đời sống người nông dân còn khó khăn. Do đó, một điểm quan trọng, cơ bản là đảm bảo cho người nông dân có đất trực tiếp sử dụng hoặc gián tiếp tham gia sử dụng phải có cuộc sống ổn định, không bấp bênh; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc nâng cao đời sống của nông dân. Bên cạnh đó, cũng cần cân nhắc việc điều tiết của Nhà nước đối với đất để hoang hóa, bỏ không.

Phó Chủ tịch đồng tình việc miễn thuế đối với toàn bộ diện tích đất trồng lúa, đất làm muối, đất phục vụ nghiên cứu phát triển nông nghiệp. Thời hạn miễn, giảm 10 năm là phù hợp, thậm chí dài hơn nữa.../.

Thanh Hòa (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục