Pakistan không cho nước ngoài thẩm vấn nghi can vụ Mumbai

Ngày 15/12, Thủ tướng Pakistan Yousaf Raza Gilani tuyên bố Islamabad sẽ không cho phép các điều tra viên nước ngoài thẩm vấn các đối tượng Hồi giáo cực đoan, bị bắt giữ tại Pakistan sau loạt vụ tấn công ở thủ đô tài chính Mumbai của Ấn Độ cuối tháng 11 vừa qua.

Ngày 15/12, Thủ tướng Pakistan Yousaf Raza Gilani tuyên bố Islamabad sẽ không cho phép các điều tra viên nước ngoài thẩm vấn các đối tượng Hồi giáo cực đoan, bị bắt giữ tại Pakistan sau loạt vụ tấn công ở thủ đô tài chính Mumbai của Ấn Độ cuối tháng 11 vừa qua.
 
Phát biểu trước Quốc hội Pakistan, ông Gilani đã bác bỏ đề nghị của Thủ tướng Anh Gordon Brown đưa ra một ngày trước đó về việc cho phép cảnh sát Anh thẩm tra những nghi can bị bắt giữ tại Pakistan có liên quan đến vụ thảm sát kinh hoàng trên. Ông tuyên bố: "Đây là đất nước của chúng tôi và luật pháp của chúng tôi sẽ được thực thi".
 
Ông Brown cũng đề nghị Ấn Độ cho cảnh sát Anh thẩm vấn tay súng duy nhất còn sống sót trong vụ tấn công trên mà New Delhi bắt được. Tuy nhiên, phía Ấn Độ chưa có câu trả lời.
 
Lập trường của Pakistan được đưa ra trong bối cảnh Thượng nghị sỹ Mỹ John Kerry, sang thăm Ấn Độ và Pakistan ngày 15/12, đã gây sức ép buộc Ismalabad "phải hành động" sau các vụ tấn công ở Mumbai.
 
Phát biểu với tờ India Express, ông Kerry nói rằng Cơ quan Tình báo quốc tế Pakistan (ISI) phải chấm dứt cơ chế hoạt động nằm ngoài quyền kiểm soát của chính phủ như hiện nay. Ông nhấn mạnh "Chúng ta muốn thấy một ISI được cải tổ và hoàn toàn thuộc quản lý dân sự". Ông cũng tố cáo ISI đã lập nên tổ chức Lashkar-e-Taiba (LeT), nhóm vũ trang mà Ấn Độ cáo buộc đứng sau các vụ tấn công Mumbai.
 
Hồi tháng Bảy vừa qua, Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari đã đề xuất đặt ISI dưới sự quản lý của Bộ Nội vụ, nhưng đã ngay lập tức vấp phải sự phản đối của giới chức quân đội nước này.
 
Trong khi đó, Nội các Ấn Độ ngày 15/12 đã ra quyết định thành lập Cơ quan Điều tra liên bang có chức năng điều tra mọi hành vi tội phạm khủng bố. Quyết định này nằm trong nỗ lực của chính phủ nhằm củng cố an ninh quốc gia sau các vụ tấn công đẫm máu cuối tháng 11 ở Mumbai. Cơ quan này sẽ hoạt động giống như mô hình Cục Điều tra liên bang Mỹ - FBI.
 
Những giải pháp khác mà Chính phủ của Thủ tướng Xinh đã đề xuất bao gồm tăng cường an ninh vùng duyên hải dài 7.500km của nước này, thành lập 20 trường huấn luyện lính đặc nhiệm chống phiến quân và khủng bố, đào tạo hiệu quả hơn lực lượng cảnh sát địa phương, kiện toàn các đạo luật chống khủng bố và tăng cường chia sẻ thông tin tình báo./.

(TTXVN/Vietnam+)
 

Tin cùng chuyên mục