Hoạt động mua bán-sáp nhập triển vọng trong 2010

Hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) tại Việt Nam đã tăng tích cực trong nửa cuối năm 2009, mang lại triển vọng khả quan cho năm 2010.
Theo công bố ngày 19/1 của PricewaterhouseCoopers Việt Nam, hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) tại Việt Nam tuy có giá trị giao dịch thấp trong suốt nửa đầu năm 2009 nhưng đã tăng tích cực trong nửa cuối năm 2009, cụ thể là trong quý 4 mang lại triển vọng khả quan cho năm 2010.

PricewaterhouseCoopers Việt Nam (PwC) - là đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ kiểm toán, thuế và các dịch vụ tư vấn.

Theo PwC, Việt Nam tiếp tục là quốc gia có những bước tăng đáng kể về số lượng các giao dịch M&A và một lần nữa Việt Nam lại nổi trội hơn so với các khu vực khác trên thế giới.

Theo nghiên cứu của PwC và Thomson Reuters, mức tăng trưởng giá trị giao dịch M&A của Việt Nam đã đăng ký cao hơn mức năm 2008 là 2%, với giá trị là 1,138 tỉ USD, trong đó, giá trị hợp đồng mà các công ty nước ngoài mua và sáp nhập các công ty Việt Nam tăng 18%.

Số hợp đồng giao dịch đạt 295, tăng 77% so với năm 2008, trong đó đáng chú ý là số hợp đồng giữa các công ty trong nước tăng 133%, lên 200 hợp đồng, trong đó, số hợp đồng mua bán và sáp nhập trong lĩnh vực công nghiệp và năng lượng chiếm số lượng lớn.

Trong mấy năm qua, số lượng hợp đồng mua bán và sáp nhập ở Việt Nam tăng khá nhanh, nhưng vẫn còn cách biệt khá xa so với mức độ của các thị trường trưởng thành. Trong năm 2009, tổng giá trị hợp đồng mua bán và sáp nhập ở Trung Quốc đạt 101,579 tỉ USD; Đông Nam Á là trên 46 tỉ USD.

Các thương vụ M&A đáng chú ý được công bố trong năm bao gồm: HSBC Insurance (Asia Pacific) Holdings Limited (HSBC) ký thỏa thuận tăng tỷ lệ cổ phần nắm giữ của công ty này tại Tập đoàn Bảo Việt (Bao Viet Holdings), tập đoàn dịch vụ tài chính và bảo hiểm hàng đầu của Việt Nam, từ mức 10% hiện nay lên 18% với trị giá khoảng 105,3 triệu USD.

Công ty Cổ phần Ximăng Hà Tiên 2 (HT2) đã đồng ý sáp nhập với Công ty Cổ phần Ximăng Hà Tiên 1. Giá trị của thương vụ ước tính là 133 triệu USD.

Công ty Cổ phần Vincom, một công ty bất động sản có trụ sở tại Việt Nam, đã đồng ý mua lại 44,25% cổ phần tại Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Địa ốc Hoàng Gia, một công ty bất động sản khác có trụ sở tại Việt Nam, với giá trị 50,5 triệu USD.

Thương vụ M&A ngoài nước đáng chú ý nhất trong năm 2009 đã được công bố trong tháng 12 là khi Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) ký một thỏa thuận chuyển nhượng tài sản với tập đoàn Shell.

Theo thỏa thuận này, Shell sẽ chuyển giao 100% cổ phần tại các cơ sở kinh doanh của mình ở Lào cho PV Oil. Thương vụ mua lại này là một trong những bước đầu tiên của PV Oil trong chiến lược phát triển ra thị trường khác trong khu vực.

PwC dự kiến trong năm 2010, có sự tăng trưởng trong các thương vụ M&A ở tất cả các ngành nghề, trong đó các thương vụ giữa các doanh nghiệp trong nước vẫn tiếp tục tăng nhanh do các doanh nghiệp Việt Nam đang tăng trưởng tìm kiếm các mục tiêu M&A để đầu tư tiền nhãn rỗi và thúc đẩy tăng trưởng cao hơn.

Các giao dịch trong nước mang tính chiến lược cũng như các thương vụ vốn sở hữu tư nhân cũng được coi là những diễn biến tạo nên xu hướng tích cực trong năm 2010.

Bên cạnh đó, trong tuần đầu tiên của tháng 1, việc Chính phủ thông báo cụ thể dự định khởi động lại tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước trong năm 2010 có thể đưa đến một số thương vụ có qui mô lớn trong năm nay./.

PV (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục