Dịch tai xanh lây lan trên diện rộng ở Nam Bộ

Diễn biến dịch tai xanh tại các tỉnh Nam Bộ hết sức phức tạp, diễn biến xấu đặc biệt tại Sóc Trăng, Tiền Giang, Long An và Đắk Lắk.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm ngày 10/8, ông Hoàng Văn Năm, Quyền Cục trưởng Cục Thú y cho biết, diễn biến dịch tai xanh tại các tỉnh Nam Bộ hết sức phức tạp, tại các tỉnh Sóc Trăng, Tiền Giang, Long An và Đắk Lắk dịch tai xanh đã xảy ra trên diện rộng và đang diễn biến xấu.

Các tỉnh khác như Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Phước, Đồng Nai, Vĩnh Long và Hậu Giang cũng đã phát hiện dịch, tuy nhiên dịch mới ở diện hẹp.

Nhìn chung, do công tác phát hiện chậm, nhiều hộ chăn nuôi đã bán chạy lợn mắc bệnh, hơn nữa do tính chất nguy hiểm của dịch, kết hợp với điều kiện thời tiết thuận lợi cho virus tồn tại và phát tán… nên nguy cơ dịch tiếp tục lây lan rộng trong các tỉnh có dịch và xuất hiện dịch ở các tỉnh khác trong cùng khu vực là rất cao.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm, tính đến ngày 9/8, cả nước còn 16 tỉnh có dịch tai xanh chưa qua 21 ngày là Nghệ An, Cao Bằng, Sóc Trăng, Tiền Giang, Lào Cai, Long An, Bình Dương, Bạc Liêu, Quảng Nam, Đồng Nai, Bình Phước, Đà Nẵng, Vĩnh Long, Khánh Hòa, Đắk Lắk và Hậu Giang.

Đại diện Cục chăn nuôi cho biết, trước đây, khi dịch xảy ra tại phía Bắc đã xảy ra tình trạng con giống, thịt được vận chuyển vào Nam, vì vậy hiện nay dịch đang diễn biến phức tạp tại khu vực phía Nam nên cần tăng cường chỉ đạo không để trong thời gian dịch xảy ra tình trạng con giống và thịt trong khu vực phía Nam lại được chuyển ra phía Bắc.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Diệp Kỉnh Tần nhấn mạnh, chính sách hỗ trợ dịch bệnh không nhất quán gây khó khăn cho người chăn nuôi, ví dụ tại một số tỉnh, hộ nào có đăng ký chăn nuôi với tỉnh thì khi xảy ra dịch mới được hỗ trợ còn những hộ không đăng ký thì không được hỗ trợ nên khi phát hiện dịch thì hộ chăn nuôi đã bán chạy nên dịch có nguy cơ lây lan nhanh.

Thứ trưởng Tần cũng đề nghị Cục Thú y tăng cường hết lực lượng phối hợp với các tỉnh trong phòng chống dịch, không lơ là với dịch; đặc biệt, những tỉnh có dịch xảy ra nhỏ lẻ phải tập trung tiêu hủy hết gia súc bị bệnh, không để dịch lây lan./.

Thu Hà (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục